• Breaking News

    Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

    Khám phá Pu Si Lung (Kỳ 2)

    Pu Si Lung: Băng suối Nậm Xừ Lường, vượt dốc Yên Ngựa

    (Tiếp theo) - Men theo lối mòn xuyên rừng rậm, cứ đi hết một dốc lên, một dốc xuống lại gặp dòng suối mát lành. Mỗi bước chân tiến lên là chúng tôi đến gần tới Pu Si Lung.

    < Từ bản Sín Chải A là bắt đầu hành trình xuyên rừng rậm, lối mòn mọc đầy lau lách.

    Đến được bản Sín Chải A, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu), mọi người trong đoàn đều mệt bở hơi tai. Nhìn lại hành trình vượt qua dốc đá, nhiều người còn rợn tóc gáy. Bản Sín Chải A cũng là điểm tập kết đầu tiên của đoàn vì từ đây, mọi người phải dùng đôi chân của mình chinh phục Pu Si Lung.

    < Hành trình vượt dốc Yên Ngựa khiến mọi người bị mất nhiều nước. Số nước mang theo đã hết, mọi người phải lấy nước chảy từ khe đá ra dùng.

    4 chàng trai người La Hủ và cũng là người gùi đồ, dẫn đường rất khỏe. Mỗi người phải gùi trên 30kg thức ăn và nước uống. 8 người trong đoàn, mỗi người cũng phải cõng trên lưng lều bạt, nước uống, thức ăn, tư trang hành lý, tổng cộng nặng hơn 10kg. Giữa trưa trời biên giới trong xanh và sâu thăm thẳm. Ý chí quyết chinh phục Pu Si Lung khiến ai cũng háo hức tiếp tục lên đường.

    < Sau khi lên được dốc Yên Ngựa, mọi người nghỉ ngơi và chuẩn bị xuống dốc và vượt suối Nậm Xừ Lường.

    Lối mòn từ bản Sín Chải A đi dốc Yên Ngựa dài khoảng 2km. Con đường mọc đầy lau sậy và đặc biệt rất nhiều cỏ gianh.

    < Từ dốc Yên Ngựa xuống tới suối mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Ai cũng hào hứng bởi sự thơ mộng nơi những khúc quanh của dòng suối.

    Lá cỏ gianh dài, mọc tốt um tùm, mềm, nhưng đặc biệt nguy hiểm, nó tựa như con dao bổ cau, chỉ cần chạm nhẹ là tứa máu. Đường đi mỗi lúc một dốc, mọi người trong đoàn bắt đầu thở dốc.

    < Đá ở lòng suối trơn trượt khiến nhiều người gặp khó khi vượt qua.

    Anh Lù Văn Hạnh, dân tộc Giáy - người đã từng chinh phục 4 ngọn núi cao ở đất Tây Bắc và là người có nhiều kinh nghiệm leo núi. Hạnh chia sẻ với mọi người trong đoàn cách điều sức, phải bước đều chân, không nên đi vội. Cơ thể sẽ dần thích ghi với những chặng đường phía trước.

    < Thời điểm này, con suối Nậm Xừ Lường đang dịu dàng chảy nhưng tới mùa mưa lũ, việc vượt suối sẽ vô cùng khó khăn và nguy hiểm.

    Nói là vậy, nhưng khi leo dốc, ai cũng mệt nhoài, mồ hôi ra như tắm. Miệng, mũi đua nhau thở, lồng ngực như bị vỡ tung vì phổi hoạt động quá mức. Mỗi bước chân lên dốc là một lần phải cố gắng nhiều hơn. Đoàn cứ tiến lên từng bước, từng bước một với mục tiêu trong buổi chiều đầu tiên là phải vượt được dốc Yên Ngựa tới bãi suối Nậm Xừ Lường kịp dựng lều trại ngủ qua đêm.

    < Vượt suối sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình chinh phục Pu Si Lung.

    Sau khi vượt được dốc Yên Ngựa trời đã tối, cả đoàn phải dừng lại cắm trại ven suối Nậm Xừ Lường. Cơn mưa rừng ở đất Pa Vệ Sử (Mường Tè - Lai Châu) bất ngờ ập đến. Muỗi, vắt nhiều vô kể. Màn đêm buông, tiếng thú tao tác nơi cửa rừng.

    (Còn tiếp)
    Pu Si Lung - ngạo nghễ đỉnh 3083 mét
    Pu Si Lung: Băng suối Nậm Xừ Lường, vượt dốc Yên Ngựa
    Pu Si Lung: Cuộc 'thử lửa' muốn 'đảo ngũ toàn tập'
    Pu Si Lung: Gặp người rừng giữa chốn hoang liêu
    Pu Si Lung: Kiêu hùng giữa đỉnh núi mây

    Theo Xuân Tuấn (Phụ Nữ Việt Nam)
    Du lịch, GO!

    Chinh phục nóc nhà Pu Si Lung
    4 mốc chinh phục cần xin giấy phép

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử