• Breaking News

    Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

    Lang thang qua những miệng núi lửa ở VN

    Hoạt động của núi lửa từ hàng triệu năm trước đã kiến tạo nên những bình nguyên rộng lớn, màu mỡ ở Tây nguyên, trong đó các núi lửa Chư Đăng Ya, Hàm Rồng, Biển Hồ (thuộc tỉnh Gia Lai) là những thắng cảnh kỳ vĩ.

    Thật bất ngờ khi tra cứu tài liệu khoa học, chúng tôi biết được Gia Lai có đến 25 - 30 núi lửa đã nguội lạnh từ hàng triệu năm nay, tạo nên những vùng dân cư trù phú, những thắng cảnh mê đắm lòng người.
    Khi những cơn mưa dai dẳng vừa dứt, cũng là lúc những bông cúc quỳ hé nụ, bung cánh. Khắp các ngả đường cao nguyên trải màu nắng sánh mật ong, màu vàng của dã quỳ, màu tím của bông cỏ đuôi chồn đong đưa trong gió níu chân lữ khách...

    Từ những dòng mắc ma

    Sự phun trào hãi hùng của núi lửa hàng triệu năm trước đã để lại cho Gia Lai một di sản địa chất phong phú. Khách thập phương đến với Gia Lai luôn tìm đến những thắng cảnh này, thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú.

    Có độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, núi lửa Hàm Rồng hay núi Chư H’đrông thuộc xã Chư H’đrông, cách trung tâm TP.Pleiku hơn 10 km về hướng đông nam là một trong số đó.

    Nhìn từ xa, ngọn núi hình chiếc nôi đưa buổi sáng sớm được phủ lên một vùng sương trắng tinh khôi. Đỉnh núi Hàm Rồng có những rãnh xẻ lớn, dấu tích triệu năm của những lần phun trào tạo nên địa hình mấp mô. Đường lên núi quanh co, vàng rực màu dã quỳ - loài hoa dại như hàn thử biểu báo hiệu thời khắc chuyển mùa của đất trời.

    Đây là khu vực đặt trạm phát sóng của đài truyền hình, cũng là khu quân sự nên ít người có dịp được thưởng lãm hết vẻ đẹp của thắng cảnh này. Nhưng nếu trời quang, từ vài chục ki lô mét đã thấy dáng núi. Ngọn núi được mệnh danh là nóc nhà của Pleiku từ lâu đã neo vào lòng du khách, giúp thắng cảnh này định danh trên bản đồ du lịch cả nước.

    Được ví như “mắt ngọc” của đô thị Pleiku, núi lửa dạng âm Biển Hồ hay còn gọi hồ Tơ Nưng, là một hồ nước ngọt khổng lồ, rộng đến hơn 200 ha, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm ngàn dân. Hễ khách phương xa đến Pleiku, điểm đến Biển Hồ luôn là một trong những chọn lựa ưu tiên. Hồ nước trong xanh thơ mộng ngút tầm mắt.

    Từ đài vọng cảnh, chúng ta có thể phóng tầm mắt ra xa để ngắm làn nước xanh thẳm của thắng cảnh này. Hai bên Biển Hồ là rừng thông xanh. Dọc con đường đi xuống mùa này vàng rực màu hoa dã quỳ. Người dân còn gọi đây là hồ không đáy bởi độ sâu của hồ. Phải là thợ lặn chuyên nghiệp mới có thể lặn xuống Biển Hồ mỗi khi có việc. Chỉ cách phố thị Pleiku tấp nập khoảng 10 km về phía tây bắc, do vậy không ai muốn bỏ lỡ cơ hội một lần đến Biển Hồ.

    Tương truyền ngày xưa nơi đây là một khu vực trù phú, an vui của cộng đồng bản địa. Bỗng năm ấy trâu bò ngã ra chết, dịch bệnh. Dân làng vào rừng kiếm lễ cúng Yang (trời) để tìm sự cứu rỗi. Nhưng khi mọi người đang cúng Yang thì bỗng đất sập xuống, nước từ đâu tràn tới nhấn chìm tất cả. Duy chỉ có vợ chồng Mạc Mây đi thăm làng xa thoát nạn. Khi trở về làng thì tất cả đã thành biển nước.

    Cách TP.Pleiku gần 30 km, thắng cảnh núi lửa nguội lạnh Chư Đăng Ya của xã cùng tên thuộc H.Chư Pah là điểm đến hấp dẫn. Núi tiếp núi tưởng như dãy Trường Sơn dằng dặc, trùng điệp hiện ra quyến rũ.

    Muốn đến được đây, khách du lịch phải đi bộ. Thấp thoáng là những nếp nhà người bản địa Jrai vương khói bếp vào sáng sớm hay những chiều muộn. Đi bộ chừng hơn 1 km là chạm chân núi. Mùa này, từng vạt cỏ đuôi chồn bung bông tím, từng cuống bông dài. Mỗi khi có cơn gió thoảng qua, màu hoa tím lẫn với màu vàng óng mật ong của những vạt hoa cúc quỳ dệt nên tấm thảm đa sắc.

    Mùa gió, mùa cúc quỳ bung hoa vàng rực, mùa của hoa tím cỏ đuôi chồn nơi miền sơn cước này hút hồn du khách từ những lần gặp đầu tiên. Quyến luyến đấy nhưng cũng hàm chứa ưu tư, hoang hoải khi cảnh vật ấy chỉ có mỗi năm 1, 2 tháng. Rồi vòng xoay của tạo hóa như lời hẹn ước đến mùa sau. Phong vị của những địa tầng mắc ma quyến rũ là vậy!

    Thăm núi lửa mùa quỳ nở

    Cùng với các điểm du lịch ở Tây bắc, Sa Pa, nhiều du khách từ các nơi tấp nập cũng chọn phố núi Pleiku là điểm đến mùa này. Cái nắng dịu thoảng hơi lạnh cao nguyên thảng hoặc mang đến những hoài niệm, say mê và chút tiêu dao... Hàng triệu bông hoa quỳ nở, từng vạt cỏ đuôi chồn bung hoa tím dọc đường cao nguyên, đường đến những miệng núi lửa triệu năm luôn là sự cuốn hút khó cưỡng đối với nhiều người.

    Anh Nguyễn Thiệu Hoàng, một khách du lịch đến từ Bình Thuận cho biết: “Đã từng nghe bạn tôi là người quê ở Gia Lai tả mê say về cảnh đẹp phố núi mùa này nhưng có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận nhiều hơn vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Tôi cùng với nhiều người bạn ở những vùng miền khác nhau như Sài Gòn, miền Tây, đất Bắc cùng tổ chức chuyến đi, vừa làm từ thiện vừa thăm thú danh thắng ở Gia Lai. Đẹp thật!”.

    Nhiều buổi sớm mai ở núi lửa Chư Đăng Ya, người đi ken chân. Không ít bạn trẻ sống ở cao nguyên hay làm ăn xa xứ, những đôi lứa yêu nhau... tìm về nơi đất trời, thiên nhiên “nhả lộc vàng” mỗi năm một lần. Đó cũng là những khoảnh khắc mà những đôi uyên ương nên duyên chồng vợ muốn lưu thành kỷ niệm trong bộ ảnh cưới của mình.

    Dĩ nhiên, những ngọn núi lửa luôn là đích đến yêu thích của dân phượt. Nhiều nhóm phượt đã tự tổ chức những tour mini đến cao nguyên. Trần Văn Thiên, một dân phượt từ Lâm Đồng nói: “Nhóm chúng em có 12 bạn, rong ruổi một vòng qua các tỉnh Tây nguyên.

    Phải công nhận mùa này ở cao nguyên đẹp thật. Phải thấy tận mắt mới cảm nhận được hết anh à! Tiếc là chỉ ngắm được núi Hàm Rồng ở khoảng cách nhất định vì trên núi là khu vực cấm. Nhóm của em cũng đến Biển Hồ. Làn nước trong xanh, thông cổ thụ xanh ngắt xung quanh hồ đẹp quá. Lái mô tô trên những cung đường đẹp, được thưởng thức vẻ cuốn hút mê hồn của thiên nhiên thú vị vô cùng!”.

    Đến tour “Núi lửa”

    Truyền thuyết về những núi lửa tồn tại song hành với cộng đồng bản địa cao nguyên. Nhiều già làng ở đây nói rằng sở dĩ núi có tên là Hàm Rồng bởi sự phun trào mắc ma giống như miệng con rồng nhả lửa. Người Jrai có truyền thuyết rằng ngày xưa, nàng H’đrông là con một vị tộc trưởng thế lực, giàu có đem lòng yêu chàng Ralan Ly nghèo khó có tiếng đàn goong mê đắm.

    Gia đình nàng và cộng đồng ra sức cấm cản. Hai người đã bỏ làng đi nhưng lũ làng tìm đến nơi ở của họ. Trong lúc hỗn loạn, mũi tên oan nghiệt của trai làng đã vô tình giết chết nàng H’đrông. Vị tộc trưởng tỉnh ngộ, công nhận tình yêu đôi lứa. Chàng Ly bồng xác vợ đi mãi, đi mãi đến khi khuỵu xuống, tắt thở. Và nơi họ bên nhau đã mọc lên ngọn núi Chư H’đrông ngày nay.

    Trong một lần trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai cho biết: “Để khai thác tiềm năng du lịch đến những núi lửa ở Gia Lai cần có những chiến lược dài hơi. Các nhà khoa học và những nhà hoạch định chính sách cần hỗ trợ về nhiều mặt để những di sản địa chất núi lửa trở thành điểm đến với khách du lịch, giúp tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương”.

    Theo đề án “Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở VN” đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2014, thực hiện trải dài ở 37 tỉnh thành của VN, chủ yếu là khu vực miền Trung, Tây nguyên và nam VN, mục tiêu đến năm 2030, VN sẽ tiến hành công nhận 25 - 30 công viên địa chất quốc gia hoặc toàn cầu. Cùng với di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng thì những ngọn núi lửa đã tắt ở Gia Lai cũng là điểm nhấn không thể thiếu để Tây nguyên phát triển du lịch.

    Theo Trần Hiếu (Thanh Niên online)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử