• Breaking News

    Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

    Vĩnh Long đâu chỉ có cây trái!

    Gốm Cổ Chiên và Tàu hũ ky Mỹ Hòa
    Vĩnh Long đâu chỉ có cây trái! Vĩnh Long được nhiều người biết đến là một vùng đất miền Tây cây lành trái ngọt. Nhưng thiên nhiên còn ưu ái cho vùng đất này nhiều hơn những nơi khác với nhiều làng nghề nổi tiếng.

    Vĩnh Long từ lâu đã được nhiều người biết đến như là một vùng đất miền Tây cây lành trái ngọt điển hình. Nhưng thiên nhiên dường như ưu ái cho vùng đất Vĩnh Long nhiều hơn những nơi khác, bởi ngoài những vườn cây trái, vĩnh Long còn được biết đến với nhiều làng nghề nổi tiếng, trong đó đặc biệt nhất phải kể đến làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa và làng gốm Cổ Chiên trứ danh.

    Làng gốm đến từ “Vương quốc đỏ”

    Dòng sông Cửu Long đỏ nặng phù sa hàng năm bồi đắp cho những cánh đồng lúa, những miệt vườn bốn mùa hoa trái bằng hàng triệu mét khói phù sa, mà những hạt phù sa đỏ ối tụ lại này còn góp phần hình thành những mỏ sét nguyên sinh quý giá.

    Người Vĩnh Long đã biến chúng thành những làng nghề gạch, gốm nổi tiếng. Phải đến vùng đất này mới thấy hết được đôi bàn tay tài hoa của những người thợ gốm.Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách ra thành dòng Cổ Chiên đến sông Mang Thít, ven sông những lò gạch, gốm mọc lên, trông xa như những lâu đài thu nhỏ rực đỏ dưới ánh mặt trời, khiến khách ghé qua ngỡ như lạc vào “Vương quốc đỏ”.

    Làng gạch trải dài hơn 30km thuộc thành phố Vĩnh Long, huyện Long Hồ và Mang Thít. Khi nghề làm gạch thủ công truyền thống ở đây còn thịnh, mỗi nhà có đến hai, ba miệng lò. Đến mùa nung các cột khói trắng ngút trời, mang đến cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây.

    Với ưu đãi từ thiên nhiên, Vĩnh Long tự hào về một tài nguyên đất sét không vùng đất nào có, và làng nghề gạch lớn nhất vùng đồng bằng này mà dân gian thường gọi là Vương quốc gạch. Con người nơi đây sống với đất và sinh ra làng nghề gạch cũng vì đất, qua bao thế hệ họ đã đúc kết thành kỹ thuật nung đất tuyệt với đó là lò gạch, nhiên liệu là trấu, một sản vật quen thuộc với vùng lúa nước.

    Tuy nhiên, cũng như những làng nghề thủ công truyền thống khác, qua thời gian, khi các kỹ thuật và hệ thống lò công nghệ cao được đầu tư thì các lò gạch truyền thống dần đi vào quên lãng.

    Nghề gốm ở Vĩnh Long mang nét độc đáo riêng với dòng gốm không men. Không có màu đỏ ói như gạch mà gốm nơi đây có màu đặc trưng, màu của rơm rạ, đặc biệt đất Vĩnh Long chỉ kết khối ở 900 độ C. Gốm đất Vĩnh Long với màu tự nhiên đặt trưng này đã trở thành dòng sản phẩm được nhiều người ưa chuộng, kể cả khách quốc tế. Không chỉ ấn tượng bởi màu gốm Cổ Chiên, còn có công trình kiến trúc đặc sắc là nhà gốm.

    Ngôi nhà được xây dựng bởi chính đôi bàn tay tài hoa của người thợ gốm, với sự đầu tư tỉ mỉ, toàn bộ ngôi nhà, từ mái, hàng rào, tường đến những vật dụng bên trong đều hoàn toàn bằng gốm. Thoạt nhìn ngôi nhà trông rất dễ vỡ nhưng lại rất chắc chắn và hòa quyện sắc màu.

    Thời gian qua đi, làng gốm không còn nhộn nhịp như xưa nữa, giờ đây người thợ không còn nung gốm bằng lò than thủ công như trước mà thay bằng lò gas, sấy sản phẩm bằng điện. Có nhiều người đã bỏ nghề vất vả này để chuyển sang hình thức kinh doanh mới… Ngày nay,làng nghề gốm Cổ Chiên ở Vĩnh Long đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

    Tàu hũ ky – Từ món ăn nhà nghèo thành đặc sản của một làng ngh

    Cách đây ngót nghét gần 100 năm trước có hai anh em người Hoa tên là Châu Phạch và Châu Sầm đem nghề làm tàu hủ ky đến đất Mỹ Hòa ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long mà lập nghiệp (dải đất nằm kẹp giữa sông Hậu và nhánh Cái Vồn, nay gần chân cầu Cần Thơ).

    Bà con trong vùng thấy hay đến xin truyền nghề, dần dà số người làm tàu hủ ky đông lên thành hẳn một làng nghề xôm tụ. Từ đó, người dân nơi đây cũng trở nên quen dần với mùi khói đặc trưng của những miếng tàu hủ ky vàng ruộm, cùng hình ảnh giàn sợi tàu hủ ky chờ nắng dọc bờ sông.

    Dù phổ biến là vậy nhưng có lẽ ít ai biết đây lại là một món ăn xuất xứ từ con nhà nghèo. Người ta kể rằng hồi xưa, có một gia đình nghèo khổ làm nghề bán sữa đậu ngoài chợ. Ngày nọ, vợ chồng họ cãi nhau to đến mức quên nồi sữa đang đun trên bếp bị đóng thành váng.

    Người vợ tiếc của không nỡ bỏ đi nên vớt lấy váng đậu treo lên sào phơi cho ráo rồi quên bẵng đi mất. Khi nhà chẳng còn gì ăn vợ chồng lại lục đục, chị vợ nhìn thấy váng đậu khô bữa nọ còn vắt trên vách bếp bèn lấy ra chế biến với hy vọng sẽ thành món ăn qua cơn đói. Nhưng thật không ngờ là miếng váng đậu đó đã trở thành một món ăn ngon hơn cả tưởng tượng.

    Đó là sự tích, còn để làm tàu hủ ky chuyên nghiệp thì phải tốn công hơn nhiều. Để làm tàu hủ ky Mỹ Hòa ngâm đậu chừng 2 tiếng để nở và mềm rồi xay thành bột, sau đó đưa vào máy ly tâm vắt lấy nước. Nước đậu nguyên chất được bỏ lên chảo đun để lấy váng.

    Thông thường người ta xếp 18 chảo thành hai hàng gọi là một dàn, tùy theo quy mô từng gia đình mà số dàn này nhiều hay ít. Để lên váng đậu, nước trong chảo chỉ được duy trì ở khoảng 70 độ C. Nếu muốn lá tàu hủ ky dày thì để váng nổi lâu hơn, còn lá mỏng chỉ cần nổi váng chừng 5 phút. Cứ khoảng 10 phút sau khi vớt chảo lại nổi váng một lần và được thợ dùng dao rạch váng rồi treo lên sào trúc ngay phía trên chảo cho ráo. Thợ làm tàu hủ ky phải luôn tay cho đến khi cạn nước, lấy mãi tới lớp cuối cùng thì gọi là vớt bẹ.

    Để ra được 1kg tàu hủ ky với giá 95 ngàn đồng bán ra thị trường phải dùng khoảng 2,4 kg đậu nành tươi. Làm tàu hủ ky Mỹ Hòa chỉ sợ đến mùa gió chướng tháng 7, lúc đó nước đục và đậu xấu nên tàu hủ thường lên váng chậm và màu không đẹp. Chỉ từ khoảng giữa tháng 10 đến tháng 4 hàng năm là thời gian thuận lợi để làm được tàu hũ ky ngon. Khi nhắc đến tàu hủ ky, nhiều người thường mặc định đó là đồ chay, nhưng bây giờ thì nó không còn là nguyên liệu độc quyền dành riêng cho những người ăn chay nữa.

    Vì không chỉ là một món ăn giàu dinh dưỡng, tàu hủ ky còn đa dạng trong chế biến. Nào là tàu hủ miếng lớn, tàu hủ ky cọng khô, cọng non, tàu hủ ky ướp muối… Là một trong những làng nghề truyền thống của tỉnh Vĩnh Long, Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh có từ lâu đời đã hoạt động trên 60 năm. Năm 2013, làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể “Tàu hủ ky Mỹ Hòa – Bình Minh”. Hiện có 34 hộ gia đình đang theo nghề truyền thống này.

    Với những vườn cây ăn quả cây ngon trái ngọt, cùng với hai làng nghề truyền thống đặc sắc này đã giúp Vĩnh Long níu chân du khách trong và ngoài nước.

    Nếu chỉ đến Vĩnh Long để thưởng thức cây trái mà bỏ qua tham quan làng nghề gốm Cổ Chiên hay làng nghề tàu hũ ky Mỹ Hòa, thì chuyến đi của du khách hẳn vẫn chưa trọng vẹn. Có đến đây, du khách mới có thể cảm nhận rõ hơn về thiên nhiên, con người và lịch sử lâu đời của vùng đất được thiên nhiên ưu ái này.

    Theo Bảo Phương/KD&PL
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử