• Breaking News

    Thứ Năm, 8 tháng 12, 2016

    Đạ Tẻh - hành trình tìm về chốn hoang dại

    ĐGD: Bạn còn nhớ trong chuyến đi 'Hành trình tìm thác và đèo' ngày 13/8/2011, bọn mình đã đến vùng đất Đạ Tẻh hoang sơ này và khám phá những con thác, trong đó có thác Triệu Hải (tức là thác Đa Kala) lúc ấy còn hiếm người biết đến không?

    < Thác Triệu Hải năm 2011.

    Cũng là tháng 8 nhưng cách nay 5 năm: vùng đất Đạ Tẻh vẫn là điểm trắng trên bản đồ phượt - Cái thuở hồng hoang, thuở mà dòng nước của con thác vẫn còn đổ xuống điên cuồng tạo nên cảnh vật hùng vĩ giữa chốn hoang vu ít dấu chân người.
    Thuở mà những nhúm cây rừng vẫn còn phủ kín chân thác, thuở mà tìm một mảnh rác trong dòng nước không ra... thì ngày nay...

    < Thác Triệu Hải trong chuyến đi của bác Nguyễn Thế Nguyên tháng 08/2016.

    Dòng thác Triệu Hải đã thay đổi quá nhiều, đến mức mình không còn nhận ra! Nước ít (dù vẫn còn trong mùa mưa), cây xanh và địa y, rong rêu quanh chân thác mất đi, giờ chỉ còn đá và đá. Nước ít nên hồ nước ở chân thác không còn quy mô hồi ấy. Tiếng ì ầm ngày xưa vang xa đến nửa cây số thì nay chỉ còn tiếng rì rào, róc rách bên chân thác. Ngày ấy nay còn đâu?

    Thời gian là thay đổi phải như vậy: rừng giảm thì nước cũng giảm, địa y cũng giảm theo. Chút may mắn là vẫn còn con thác chứ lắm trường hợp: nó mất đi luôn vì thủy điện. Vậy nên, bạn hãy cứ khám khá những chốn mới đi! Hãy tìm kiếm, thưởng ngoạn và ghi lại nhưng hình ảnh về chốn hoang sơ... vì có thể sau này, chốn ấy hoàn toàn thay đổi.

    Giờ đây, mời bạn xem chuyến đi của bác Nguyễn Thế Nguyên đăng trên Zing ngày 22/08/2016 để cảm nhận khung cảnh Đạ Tẻh ngày nay nhé.

    (Zing) - Tháng 8 là thời điểm thích hợp để các bạn trẻ tụ tập, mang balô và khám phá những cung đường mới. Và điểm đến của chúng tôi lần này là hồ Đạ Tẻh thuộc huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.

    Để chuyến phượt trở nên thú vị hơn, chúng tôi quyết định dừng lại tại nhiều địa danh thiên nhiên trên cung đường. Và điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi đó chính là hồ Trị An.

    Bên cạnh hồ có những cồn cát lớn và những bãi đá, nơi ta có thể phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh lòng hồ Trị An. Cảnh vật cũng hết sức nên thơ và hùng vĩ.

    Rời hồ Trị An thơ mộng, chúng tôi đi dọc theo quốc lộ 20 đến ngã 3 thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, rẽ trái đến huyện Đạ Tẻh.

    Đi khoảng 20 km nữa, chúng tôi tìm đến nơi dừng chân thứ hai trong hành trình là thác Triệu Hải (xã Triệu hải, huyện Đạ Terh), nơi được coi là có con thác mát lạnh và hoang sơ.

    Con thác không quá lớn nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng nơi đây.

    Dòng nước mát lạnh đổ từ trên cao xuống trắng xóa cả những vách đá. Không kìm được sự thích thú của mình, chúng tôi quyết định lao vào những dòng nước đang trút từ trên cao xuống như để xoa tan cái nóng mang từ Sài Gòn theo.

    Thiên nhiên ở đây cũng hoang dại vô cùng, được tắm dòng nước mát của mẹ tự nhiên nên thực vật rất xanh tốt.

    Hồ Đạ Tẻh là nơi chúng tôi dự định cắm trại qua đêm.

    Đến hồ khi đã hơn 17h, chúng tôi chưa kịp ngao du nhiều thì phải tìm một địa điểm để dựng lều.

    Mùa này, nước hồ vẫn còn cạn nhưng cảnh vật vẫn rất hoang sơ.

    Dựng lều xong, cả nhóm đã mệt rã, chúng tôi quyết định nghỉ ngơi ăn uống và đi lấy củi khô để đốt lửa trại khi đêm đến.

    Đêm đến, chúng tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời khi được nhâm nhi trái cây và thức ăn dưới ánh lửa, cùng nghe những bản nhạc và kể những câu chuyện vui. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

    Thức dậy lúc 5h30, chúng tôi cùng nhau tận hưởng không khí trong lành và mát lạnh nơi núi rừng.

    Rời Đạ Terh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình sang thành phố Bảo Lộc để quay lại quốc lộ 20 về TP HCM. Cảm giác vượt qua các con đèo uốn lượn giữa núi rừng vào buổi sáng không thể tuyệt vời hơn - phiêu lưu, phong trần và cũng rất hoang dại.

    Trên đường, chúng tôi dừng lại một tháp quan sát giữa một ngọn đồi, quan sát toàn cảnh núi rừng từ trên cao và những con đường mềm mại bên dưới.

    Địa điểm cuối cùng chúng tôi ghé đến là thành phố Bảo Lộc, nơi nổi tiếng với chè.

    Tạm biệt Đạ Terh, Bảo Lộc, nơi chúng tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời, những kỷ niệm khó quên, và mang theo một chút gì đó của miền cao nguyên đầy nắng và gió về Sài gòn. 

    Theo Nguyễn Thế Nguyên (New Zing)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử