• Breaking News

    Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

    Giếng nước ngọt Xó La ở Lý Sơn

    (BQN) - Xó La là tên một giếng ngước ngọt cổ nổi tiếng ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài tên gọi Xó La, giếng nước này còn có các tên gọi: Giếng Vua, giếng Vương, giếng Vuông, giếng Gia Long, giếng Tiên, giếng Thầy Tu...  Mỗi tên gọi đều gắn với một câu chuyện lưu truyền trong dân gian hư hư, thực thực.

    Có một cách giải thích của nhiều người cao tuổi ở Lý Sơn, rất cụ thể và giàu sức thuyết phục: “Xó” ở đây là một góc không gian hẹp; còn “La” bắt nguồn từ tên cây la. Giếng Xó La là giếng nước ở góc ruộng hẹp có nhiều cây la (tra). Cũng có giải thích khác, cho rằng âm “Xó La” có nguồn gốc từ tiếng Chăm, song người đề xuất kiến giải này cũng không đưa ra dẫn chứng ngữ âm nào hợp lý.

    Giếng Xó La có chiều sâu chừng 10m, thành giếng xây đá ong, trát xi măng, cao 1,5m. Lòng giếng hình tròn, được kè bằng đá cuội, đá núi lửa, xen lẫn đá vôi. Đá ở đây được lựa chọn kỹ lưỡng về kích cỡ và hình dạng, kè vào nhau khá công phu, vừa đẹp mắt, vừa rất chắc chắn, lại có khe hở đều để nước mạch có thể thoát ra dễ dàng. Trước đây đáy giếng hình vuông, có bốn súc gỗ lớn chèn xung quanh, nhưng về sau, khi nạo vét, người dân đã thay những súc gỗ đó bằng đá.

    Tuy chỉ cách mé biển lúc triều lên cao nhất khoảng 5m - 7m, nhưng nước giếng luôn ngọt và thanh mát bốn mùa, không thua bất cứ giếng nước ngọt nào trong đất liền và là giếng ăn ngon nhất, có mạch nước ngầm ổn định nhất ở huyện đảo.

    Theo các nhà địa chất, trên huyện đảo chủ yếu có 2 nguồn nước ngầm: Một nguồn thấm từ trong lòng đảo (nhờ nước mưa) và một nguồn thấm từ ngoài biển vào. Hầu hết các giếng nước trên đảo đều chịu ảnh hưởng 2 nguồn nước này, nên bị nhiễm mặn ở những mức độ khác nhau. Riêng giếng Xó La, dù nằm cạnh mé nước biển nhưng chỉ có mạch từ nguồn nước ngầm trong đảo nên nước giếng ngọt quanh năm.

    Số liệu thống kê cho biết, trên toàn đảo Lớn (cù lao Ré) của huyện đảo Lý Sơn hiện có chừng trên 1.000 giếng nước, trong đó có khoảng một nửa giếng nước ăn; số còn lại chỉ dùng để tắm giặt, tưới hoa màu, chủ yếu là hành và tỏi. Cũng có chừng mươi giếng có nước ngon trên đảo, nhưng vào thời kỳ đỉnh điểm mùa khô, chỉ duy nhất giếng Xó La là còn nước ngọt.

    Giếng Xó La nổi tiếng nước ngon. Hầu như tất cả các quán cà phê, nước giải khát, hàng ăn uống trên huyện đảo, kể cả những người thích uống trà, đều sử dụng nước lấy từ giếng này. Cũng do nhu cầu dùng nước giếng Xó La mà trên đảo xuất hiện dịch vụ lấy nước giếng bán lại cho người dùng.

    Có khoảng từ 8- 10 người, chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, đời sống khó khăn, sống dựa vào việc lấy nước giếng Xó La như thế. Những tháng mùa hè, nguồn nước ít hơn, những người lấy nước phải chọn thời điểm giếng thưa hoặc vắng người, dùng gàu lấy nước từ giếng lên theo cách thủ công, cho vào các can nhựa (20 lít - 30 lít) rồi đưa lên xe đạp, hoặc xe máy vận chuyển đến cho người dùng.

    Về thời điểm xuất hiện của giếng Xó La, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giếng nước này xuất hiện thời Vương quốc Chăm còn tồn tại trên vùng đất nay là huyện đảo Lý Sơn và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, tức là khoảng thế kỷ XV về trước. Người Chăm sống tập trung ở khu vực ven biển, hải đảo, giỏi nghề biển, có biệt tài chọn những nơi có mạch nước ngầm tốt để đào giếng, lấy nước ngọt dùng và bán cho các thương thuyền đi lại dọc theo ven biển. Khi người Việt đến, các giếng này vẫn được tiếp tục sử dụng và duy trì cho đến ngày nay. Bài “Vè cát lái” của cư dân người Việt đi biển cũng nhắc đến việc lấy nước ngọt ven biển miền Trung dùng cho các thương thuyền:

    Ghe vô củi nước nghỉ ngơi
    Hòn Hành nằm đó là nơi Cửa Hàn...

    Nói thêm về cây “la”, đây là tên gọi khác của cây tra (Tra Lâm vồ, tra Bồ đề), một loài thực vật thân gỗ, chịu mặn, thuộc họ bông bụp, tên khoa học là Thespesia populnea, lá có phiến tam giác nhọn, hoa màu đỏ hoặc vàng, quả nang hình cầu, cao chừng 5- 7 m, mọc hoang hoặc được trồng làm rào chắn cát, chắn gió ở rất nhiều nơi ở vùng ven biển Quảng Ngãi cũng như trên đảo Lý Sơn(1).

    Ông Trương Đăng Quế (1793- 1865), một danh thần triều Nguyễn (người làng Mỹ Khê, nay thuộc xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), có nhắc đến loại cây vốn mọc nhiều ở quê ông, trong bài “Thuyền quá Quảng Ngãi cố hương” (Thuyền đi qua quê cũ Quảng Ngãi):

    Khởi lập thuyền đầu vọng
    Dao thôn ẩn nghiệt la
    (Ra đầu thuyền đứng ngóng
    Làng quê dưới bóng la)(2)

    Những ngày biển động mạnh, sóng biển vỗ ì ầm, tung bọt nước trắng xóa dọc theo bờ biển, phủ lên cả một vùng chung quanh giếng Xó La. Ấy vậy mà người dân Lý Sơn vẫn ra đây lấy nước về dùng, cho dù giữa mùa mưa, các giếng nước ngọt trên đảo đã đầy ắp nước. Những tên gọi giếng Tiên, giếng Vương có nguồn gốc từ sự diệu kỳ này chăng?

    Chú thích:
    (1) Trong một dịp công tác ở Lý Sơn, chúng tôi đã tìm gặp và được các ông bà cư trú ở khu vực gần giếng nước xác nhận điều này: Dương Kiên (71 tuổi, thôn Đông, An Vĩnh), Phạm Văn Mừng (54 tuổi, thông Đông, An Vĩnh), Bùi Ổn (58 tuổi, thôn Tây, An Hải), Bùi Triết (64 tuổi, thôn Tây, An Hải), Bùi Hoàng (51 tuổi, thôn Tây, An Hải), Lại (, thôn Đông, An Vĩnh)...

    (2) Trương Đăng Quế, Học văn dư tập- bản sưu tầm và dịch nghĩa của ông Trương Quang Gia- 1993. Tư liệu gia tộc Trương Mỹ Khê.

    Theo Lê Hồng Khánh (Báo Quảng Ngãi)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử