• Breaking News

    Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

    Khám phá lịch sử chợ Thu Bồn

    Qua "Chuyện xưa xứ Quảng", bạn đọc đắm chìm vào không gian văn hóa xứ Quảng qua từng bài viết hòa quyện giữa những dữ kiện lịch sử với những sự tích, huyền sử bí ẩn, đầy cuốn hút.

    Chợ Thu Bồn

    "Dời chợ dời chợ
    Lời nói nên nợ
    Lở chợ phải dời..."

    Tương truyền, hồi cuối thế kỷ 18, ở làng Thu Bồn, nay là thuộc xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, có cha con ông Phạm Tự Điện chuyên đi buôn vải. Quanh năm suốt tháng, họ cứ gánh vải đi khắp nơi, từ Duy Xuyên, qua Đại Lộc đến Quế Sơn... để bán.

    Bấy giờ, do người ít, đường vắng nên bọn cướp thường tổ chức trấn lột. Nhiều phen bị mất vải, mất hồn, suýt mất cả mạng, ông Phạm Tự Điện kinh hãi, thấy gánh vải đi bán quá bất tiện, khó đối phó với những hiểm nguy trên đường, bèn nghĩ cách xin lý trưởng cho phép lập quán bán vải ngay ở đuôi làng.

    Do là dân buôn vải chuyên nghiệp, quen biết nhiều nên chẳng bao lâu sau người trong làng, rồi ngoài làng đến chỗ ông mua vải khá đông. Thấy vậy, một số bà con kẻ bán thêm cái này, người bán thêm món kia, đông dần lên thành ra chợ.

    Đã có chợ là có ông Trùm chợ. Đó là một chức sắc nhỏ trong làng, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trong chợ. Đặc biệt, trải qua năm đời, ông Trùm chợ bao giờ cũng là người họ Đặng.

    Trong đó, Trùm chợ đời thứ năm và cũng là Trùm chợ cuối cùng trước khi Pháp đánh vào làng năm 1946 khiến chợ dời sâu vào trong, là ông Đặng Cư. Xem ra chợ Thu Bồn hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 19, muộn nhất là đầu thế kỷ 19, cách đây hơn hai trăm năm lịch sử!

    Thế rồi, do nằm sát với bờ sông Thu Bồn nên trong một trận lụt lớn đầu thế kỉ 20, chợ bị lở, phải dời vào vị trí chợ hiện nay. Câu vè xưa còn nhắc: "Dời chợ dời chợ / Lời nói nên nợ / Lở chợ phải dời...".

    Người có công trong việc bỏ tiền bạc ra mua đất dời chợ là ông Bùi Khái, người tộc Bùi của thi sĩ Quảng Nam nổi tiếng Bùi Giáng. Ông này là Bá hộ, nhà rất giàu.

    Nhưng, dù ở chợ cũ hay chợ mới, cũng như nhiều chợ quê khác, chợ Thu Bồn cũng làm bằng vật liệu thô sơ, chủ yếu tranh tre, hình chữ nhật, hai hàng lều ở giữa chợ, hai bên người ta vừa dùng làm chỗ ở vừa bán hàng.

    Sau chợ có đình. Chợ cũ có đình nhưng chợ mới cũng có đình. Người ta dời đình từ chợ cũ lên chợ mới. Trước là đường cái quan. Ở gian sau có miếu gọi là miếu thờ bà. Đặc biệt, dù là chợ mới hay chợ cũ, chợ đều ở gần bến sông, gọi là bến sông Thu Bồn.

    Đó cũng là nơi mấy chục năm trở về trước dân vạn, còn gọi là vạn Thu Bồn, tức những người chuyên sinh sống trên sông nước, lấy ghe làm nhà, làm chỗ định cư. Hồi năm 1945, vạn Thu Bồn có không dưới ba chục chiếc ghe, đậu gần như kín bờ sông.

    Là chợ lớn của khu vực, chợ Thu Bồn thu hút khá đông những người đi buôn ở khắp nhiều huyện trong tỉnh từ dân buôn người Bàn Thạch đến dân buôn ở Hội An, Trung Phước, rồi dân buôn ở chợ Phú Thuận và dân các chợ lân cận trong vùng.

    Hằng ngày, bình quân có khoảng mười lăm chiếc thuyền buôn lớn nhỏ cập bến Thu Bồn. Cho nên, mới có câu nói "thượng gia hạ thuyền", tức phía trên là nhà, phía dưới là thuyền. Khung cảnh bến Thu Bồn do vậy luôn tấp nập, đông vui. Thời bấy giờ, bến Thu Bồn trở thành nơi lui tới của thuyền các nơi, từ Hội An, Bàn Thạch lên; từ Trung Phước, Dùi Chiêng xuống...

    Nếu là thuyền từ Hội An hay Bàn Thạch thì người ta thường xuất phát từ chiều hôm trước, cứ giương buồm lên, dựa theo sức gió, sáng đến bến Thu Bồn. Còn từ Thu Bồn lên Trung Phước, người ta phải chèo vì không thể lợi dụng sức gió, phải mất một buổi. Đi bảy giờ sáng, thường thì mười hai giờ đến nơi.

    Do vị trí tự nhiên thuận lợi, chợ Thu Bồn trở thành nơi trung chuyển hàng hoá lớn từ miền xuôi lên miền ngược và ngược lại. Hàng hoá bày bán chợ Thu Bồn hồi nửa đầu thế kỉ XX trở về trước khá phong phú, từ hàng may mặc đến mắm muối, rau quả, tạp hóa...

    Ngoài ra, trong chợ cũng có ông thầy người Tàu, bà con quen gọi là ông thầy Khách Phước, chuyên bốc thuốc Bắc chữa bệnh. Nhìn chung, những người buôn bán ở chợ phần đông không ai giàu, ngoài mấy nhân vật tương đối có "máu mặt".

    Về hàng ăn uống, chợ Thu Bồn có hai quán bán mì Quảng, trong đó, quán mì ông Hoè nổi tiếng nhất. Mì ở đây là mì cá tràu, còn gọi là cá lóc. Đặc biệt, những ai đi buôn mà ở lại chợ Thu Bồn đều xin nghỉ trọ tại nhà ông Hoè.

    Bên cạnh quán mì Quảng, trong chợ lại có quán bán nước chè xanh ở góc chợ. Chủ nhân của quán nước chè xanh này là ông Ba Dịch. Ông này bị mù. Ngoài chuyện mở quán nước chè xanh, ông còn gánh nước thuê cho những người trong chợ.

    Trong kháng chiến chống Pháp, chợ được dời vào Gò Kiệt ông Trùm Quỳ. Hầu hết những người bán ở chợ lúc này đều mới. Cũng giống như những khu chợ khác ở vùng tự do, chợ Thu Bồn đông ban đêm.

    Người bán hàng xén phải có đèn. Người đi mua cũng xách đèn theo. Đèn có tên gọi là đèn "li" chống gió, thắp bằng dầu Tây, nhưng vì dầu Tây hiếm nên người ta "chế" ra, thắp bằng dầu phụng, có bỏ ít hột muối vào. Khi thắp, ánh sáng rất yếu, chỉ vừa đủ gói hàng.

    Về giao thông, bấy giờ đã có xe chở hàng hoá từ ngã ba Nam Phước lên. Tuyến đường sông chủ yếu đoạn từ Thu Bồn đi Trung Phước. Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ lan rộng, chợ phải giải tán. Sau năm 1975, chợ được lập lại trên khu đất sát bến sông Thu Bồn.

    Có thể nói, đây là giai đoạn chợ Thu Bồn không còn giữ được vai trò là chợ trung chuyển hàng hoá và là chợ lớn của khu vực. Nó trở thành một chợ bình thường như nhiều chợ quê khác ở Quảng Nam.

    Xung quanh chợ Thu Bồn có hai sự kiện đáng nhớ. Thứ nhất, đây là địa điểm mà vua Bảo Đại nhà Nguyễn từng đến thăm. Cho nên, bến Thu Bồn còn có tên là bến Giá Ngự. Ông Trịnh Bốn nhớ lại: "Lần mô về ổng cũng phát chẩn, ngay ở chợ. Hồi đó, tui thấy dân ở Gia Cốc, Trang Điền bên Đại Lộc, rồi dân ở thập xã Đá Mài, rồi dân các làng Mỹ Lược, Thạch Bàn, Mỹ Sơn... cũng tập trung đến. Lí trưởng đốc sức dân đinh đem cờ xí, chiêng trống đánh vang trời để đón Giá Ngự".

    Thứ hai, khoảng năm 1930, Pháp có bắt ông Trần Diện, một nhân vật hoạt động cách mạng nổi tiếng ở Quế Sơn hồi trước Cách mạng Tháng tám năm 1945. Chúng dẫn về chợ. Lý trưởng làng Thu Bồn bấy giờ bắt dân canh ba ngày hai đêm.

    Thực dân Pháp và bọn tay sai luôn rêu rao rằng chúng đã bắt được cộng sản treo cờ. Ông Trần Diện bị trói hai khuỷu tay ra đằng sau. Tri huyện Duy Xuyên sức, tức ra lệnh cho bà Kiểm, một người giàu có trong làng, gói bánh tét cho dân canh ăn để gác...

    Đặc biệt, quanh sự kiện bắt ông Trần Diện, lại xuất hiện bài vè nay nhiều người còn thuộc: "Đứng giữa bụi hè / Đút gậy dây choàng xách mõ tre / Quá tối ai đi phải đón lại / Đầu hôm kẻ lạ phải ngừng xe / Quan quân chẳng biết hồi nào tới / Hương kiểm dặn rằng đánh mõ nghe / Bụng đói thức khuya con mắt mệt / Nhờ ơn bà Kiểm đãi ba bữa no kè".

    Bài vè, theo tương truyền, của ông Phạm Khôi, một người giỏi văn chương của làng Thu Bồn hồi nửa đầu thế kỉ 20. Thế nhưng, chuyện bắt ông Trần Diện, một chiến sĩ cách mạng, hóa ra lợi bất cập hại, dẫn đến hậu quả là “gậy ông đập lưng ông”.

    Thực dân Pháp không làm cho dân làng Thu Bồn và dân các làng khác thấy đó đâm ra sợ sệt, không dám làm cộng sản, mà ngược lại, họ càng cảm phục ý chí kiên cường, bất khuất của ông Trần Diện. Và, đó là một trong những nguyên nhân tạo cơ sở, tiền đề để phong trào cách mạng ở địa bàn Duy Xuyên ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những năm về sau này.

    Theo Zing - Trích sách "Chuyện xưa xứ Quảng"
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử