• Breaking News

    Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

    Lên đỉnh Ngọc Linh tìm miền sâm cổ

    (VNN) - Hàng nghìn năm nay, với đồng bào Xê Đăng cũng như nhiều đoàn thám hiểm nước ngoài, đỉnh núi Ngọc Linh (nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam - Kon Tum) mãi là điều bí ẩn bởi những câu chuyện ám ảnh chưa lý giải được.

    < Những thân cây kỳ quái trên đỉnh Ngọc Linh.

    Ở độ cao 2.592 m, đỉnh núi Ngọc Linh (huyện nam Trà My) được mệnh danh là đỉnh trời, hay mái nhà miền Nam. Bà con Xê Đăng sống quanh đó chưa một lần dám đặt chân lên đỉnh núi. Bởi đây là nơi trú ngụ của thần linh, nếu ai xâm phạm sẽ bị trừng phạt.

    < Đoàn thám hiểm “chân đất” của UBND huyện nam Trà My trên đường chinh phục đỉnh Ngọc Linh cao 2.992 m.

    Già làng Xê Đang kể rằng, không ít người hiếu kỳ đã liều mạng trèo lên đỉnh núi rồi không bao giờ trở về. Những năm sau giải phóng, nhiều đoàn thám hiểm nước ngoài với trang thiết bị hiện đại cũng đành bất lực.

    Ngọn núi với bao nhiêu lời huyền hoặc về thú dữ và mịt mùng như mê cung khiến người đi đường dễ bị lạc lối đến chết càng kích thích sự tò mò của những người muốn khám phá. Thế nhưng, chưa ai thắng được lời nguyền.

    < Đoàn thám hiểm dừng chân nghỉ dọc đường.

    Cho đến một ngày cuối tháng 3, đầu 4/2015, đoàn thám hiểm “chân đất” do vị Chủ tịch trẻ của UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu dẫn đầu cùng 50 người là những người dân, cán bộ khoa học kỹ thuật đã chinh phục thành công đỉnh Ngọc Linh trong vòng 8 ngày đêm, với khát vọng tìm kiếm cây thuốc và mở rộng vùng trồng sâm Ngọc Linh quí hiếm.


    Nhật ký hành trình của đoàn thám hiểm ghi lại, bình quân mỗi ngày đoàn di chuyển hơn 4 km đường chim bay.

    Càng lên cao, đoàn bắt gặp càng nhiều cánh rừng già phủ đầy rêu xanh, với những thân cây có hình thù kỳ quái. Thân cây co quắp và vươn mình như những con rắn khổng lồ, trườn khắp nơi, khiến những người đi rừng lâu năm, lì lợm nhất trong đoàn như Hồ Văn Du, Hồ Văn Lang,... cũng khiếp sợ.

    < Dựng lều và nấu cơm trong rừng già.

    “Đến những khu rừng già bí hiểm thế này, người đi rừng lâu năm sợ nhất là những con trăn núi như mãng xà, hay chằn tinh trong truyện cổ nằm dưới lớp lá mục.

    Chỉ cần sơ sẩy là làm mồi ho loài trăn núi hung dữ này. Chúng tôi không dám đi một mình hoặc đi đoàn nhỏ”, người dẫn đường Hồ Văn Lang kể.

    < Rừng hoa đỗ quyên trên đỉnh Ngọc Linh.

    Ông Hồ Văn Du, người đã sinh ra và gắn bó cả đời ở vùng đất này, nói rằng hồi còn nhỏ đã được nghe kể trên đỉnh núi Ngọc Linh này Mỹ đã xây dựng cả một sân bay.

    Còn già làng A Mướt ở Mường Hoong, huyện Đắk Glei, Kon Tum cho hay: “Trên đỉnh Ngọc Linh có nhiều thung lũng kéo dài, không thể xác định. Trong đó, thung lũng Ngọc Rêu ở sườn phía Nam được gọi là ‘thung lũng chết’. Từ xưa đến nay chưa có ai dám đặt chân đến. Nếu lạc vào đó thì không có đường quay về”.

    < Một gốc thông đỏ nghìn năm tuổi hàng chục người ôm mới hết.

    Để minh chứng cho lời kể của mình, già làng A mướt khẳng định, tháng 4/2006, ông cùng con trai là A Pa đi vào rừng bẫy thú ở sườn phía Tây đỉnh Ngọc Linh.

    Trời đang nắng ráo bỗng mây âm u che kín trời. Cuồng phong nổi lên. Mưa quần quật trút xuống. Hai cha con chạy đi tìm hang đá thì bất ngờ lạc hẳn vào bụng một chiếc máy bay mục nát từ lâu đời và phát hiện trong khoang chiếc máy bay có cả mũ phi công, bình điện, cánh quạt vương vãi khắp nơi.

    Nhiệt độ ban ngày ở độ cao 2.500m trở lên dao động từ 8-15 độ. “Ở trên đỉnh núi này thời tiết thay đổi xoành xoạch. Trời đang nắng trong lành, chỉ tích tắc là mây đen kéo đến vần vũ biến ngày thành đêm. Khoảng mấy tiếng sau là mưa rả rích. Rồi nắng bừng lên, rồi mát dịu, một chút sau là lạnh cóng. Nói chung thời tiết rất khó đoán khiến nhiều đoàn thám hiểm đành phải bất lực quay về” - ông Hồ Văn Lang kể.

    < Những thân cây kỳ quái cùng những dây leo chằng chịt. Lần đầu tiên đoàn thám hiểm chân đất lạc vào khu rừng giống như mê cung trong chuyện cổ tích.

    Nhưng điều kỳ lạ là lượng nước rất khan hiếm. Nhiều khe suối cạn kiệt, chỉ có rong rêu. Trên những thân cây cổ thụ, rong rêu cũng bám dày đặc.

    Tuy nhiên, hành trình 8 ngày đêm khám phá đỉnh núi Ngọc Linh mà vị chủ tịch UBND huyện Nam Trà My tổ chức đã thành công ngoài mong đợi.

    Theo chủ tịch Hồ Quang Bửu, đây là chuyến khảo sát thực địa để mở rộng vùng sâm và trong kế hoạch huyện sẽ lập dự án mở tuyến du lịch chinh phục đỉnh Ngọc Linh.

    Một dự án mở sân bay trực thăng trên núi Ngọc Linh đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phê duyệt và giao cho UBND và cơ quan chức năng huyện Nam Trà My chủ trì đang được triển khai để phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ và quốc phòng khi cần thiết.

    Theo Xuân Mai - Vũ Trung (Vietnamnet)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử