(BQN) - Quảng Ngãi những ngày sau mưa lũ, trời dần tạnh ráo hơn. Thời điểm này, ở những vùng quê thường hay xuất hiện nấm mối. Các bà, các mẹ, các chị cùng mang rổ đi hái về chế biến các món ăn ngon tuyệt. Lũ trẻ trong xóm cũng í ới gọi nhau đi theo. Tiếng bước chân, cười đùa hò reo mỗi lần nhìn thấy một ụ nấm, rồi tiếng trẻ con tranh giành nhau chí chóe… đã khiến cho cả xóm rộn ràng.
Ở các tỉnh miền Tây, nấm mối thường được tìm thấy dưới những mô đất thịt trồng dừa và các loại cây ăn trái thường chứa nhiều mùn, rễ, lá cây mục- nơi có nhiều điều kiện cho mối làm tổ, sinh hoạt. Còn ở những vùng đất như miền Trung, chỉ cần men theo các bờ rào, bụi rậm, đặc biệt những nơi có nhiều cây cỏ khô, gỗ mục là tìm thấy nấm mối ngay.
Trước đó khoảng 1-2 ngày, thời điểm nấm mối vừa nhú lên trên mặt đất, nhỏ như hạt tiêu, mọi người khi phát hiện thường lấy nhánh lá hoặc một vật nào đó để làm dấu, “xí phần” trước.
Khi cùng đi hái nấm mối, người lớn thường dặn dò con trẻ phải hết sức nhẹ tay để nấm không bị dập tơi mà vẫn giữ nguyên được phần chân nấm. Nấm có màu nâu đất nên khi đi hái cũng phải thật sự tinh ý mới thấy được. Chỉ cần chịu khó thì chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau là có ngay một rổ nấm “hoành tráng”.
Thời điểm hái được nấm ngon nhất là nấm vừa nở vào buổi sáng, thân nấm săn nịch trông như một cái búp, thịt ngọt và dòn. Nếu không, chỉ cần đến buổi chiều, thân nấm sẽ bung dù và ít ngon hơn.
Với những ai đã từng được ăn nấm mối ắt hẳn sẽ khó mà quên được cái hương vị độc đáo mà đất trời, thiên nhiên đã gửi tặng. Nấm mối ngọt vị, dòn, thơm ngon và bổ dưỡng. Ngoài việc tăng thêm sự phong phú cho các món ăn, nấm mối còn là bài thuốc có công dụng lợi sữa, giúp ăn uống dễ tiêu, ngừa các bệnh về thận và giảm cholesterol...
Thực đơn của nấm mối có đến hàng chục món. Người quê tôi vẫn thường hái đem về nấu canh với mướp, xào với thịt, nấu cháo… Nhưng, ngon nhất và được nhắc đến nhiều nhất trong ký ức tuổi thơ của mỗi người là để dành đúc bánh xèo.
Và dù có chế chế biến thành món nào đi chăng nữa, người “sành” ăn vẫn muốn giữ nguyên vị tươi của nấm mà bỏ ít gia vị hơn. Để rồi, khi thưởng thức, nhai chầm chậm sẽ cảm nhận được hết vị ngọt, thanh, thơm ngon đậm đà mà nấm tiết ra làm mê hoặc đầu lưỡi.
Cứ thế, sau mỗi trận mùa mưa lũ, khi những ngọn nắng dần hừng lên, mùi đất nồng nồng phảng phất cùng mùi lá cây mục là báo hiệu mùa nấm mới.
Buổi sáng hái nấm, buổi chiều bánh xèo đã thơm lừng cả xóm. Trong căn bếp mỗi nhà quay quần bên nhau, người lớn đúc, tụi nhỏ cầm chén đũa chờ gắp từng chiếc bánh nóng hổi.
Cái cảm giác ăn chiếc bánh xèo với nguyên liệu tự hái mà mỗi năm chỉ một, hai lần đã khiến cho những ai từng thưởng thức luôn nhớ mãi trong tâm trí.
Theo Gia Nghi (Baoquangngai.vn)
Du lịch, GO!
Ly kỳ như săn... nấm mối vùng Cửu Long
Đặc sản nấm mối mùa mưa ở miền Tây
Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016
Xã xì trét
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét