• Breaking News

    Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

    Nét nguyên sơ Việt Hải

    Xã Việt Hải, huyện Cát Hải (Hải Phòng) có lẽ là xã duy nhất ở vịnh Bắc Bộ giữ được dáng vẻ, nếp sinh hoạt của làng quê điển hình. Biển, rừng “ôm trọn” thung lũng này, tạo nên vẻ nên thơ, yên bình hiếm gặp.
    Từ thị trấn Cát Bà, chúng tôi chọn cách tới Việt Hải bằng thuyền máy. Sau hơn 50 phút trải nghiệm nắng, gió của biển khơi, đoàn tới cầu tàu xã Việt Hải.

    Từ đây lại có 2 lối rẽ để vào trong xã. Bí thư Đảng ủy xã Việt Hải Nguyễn Văn Lợi cho biết: Lối rẽ xuyên qua núi là con đường do thiên nhiên tạo ra, hình thành từ lâu lắm rồi. Bao thế hệ đã đi bằng con đường đó. Cung đường này tạo cảm giác như bước vào rừng cổ tích...

    Không khí mát rượi, rễ đa, cành đa phủ bóng hai bên đường khiến cảnh quan huyền diệu hơn. Tuy nhiên, cứ đến mùa mưa bão, nước biển dâng, lối đi bị nước dâng bịt kín. Để thuận lợi cho người dân trong xã đi lại, huyện Cát Hải và thành phố Hải Phòng đã xây dựng thêm một con đường men theo núi.

    Việt Hải nằm gọn trong thung lũng, hiện có khoảng 300 người đang sinh sống. Không chỉ khách nước ngoài, khách du lịch Việt Nam cũng mê đắm phong cảnh hữu tình của nơi này. Sáng ngủ dậy thấy gà bới ngoài vườn, lợn kêu trong chuồng, cá bơi dưới suối.

    Ông Jack, một du khách đến từ bang Indiana (Mỹ) cho biết vừa có một chuyến trải nghiệm dài qua các vùng đất của châu Âu và châu Á, song ông đặc biệt thích Việt Hải. Ông chia sẻ: “Không gian ở đây rất tuyệt vời. Những con đường đã được lát phẳng, tạo thuận lợi cho người di chuyển nhưng cảnh vật hai bên đường vẫn giữ được vẻ truyền thống như có những ngôi nhà vách đất và có không gian sinh hoạt điển hình”.

    Ông Jack cho biết sẽ giới thiệu về điểm du lịch này đến với người thân và nếu có dịp ông sẽ sớm quay lại. Ông đã cùng bạn bè đạp xe quanh xã, ăn nhiều đặc sản từ rau củ luộc, gà chạy bộ đến hải sản nhưng không hề cảm thấy bị tăng cân.

    Còn ông Marquis Marcel, du khách người Pháp lại rất ấn tượng với cuộc sống yên bình, sạch sẽ của xã Việt Hải. Ông vui vẻ nói: “Trên đường đi, tôi không hề nhìn thấy rác. Điều đó chứng tỏ, chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc gìn giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp. Không gian ở đây thoáng đãng, đẹp như một bức tranh”.

    Không chỉ du khách nước ngoài hứng thú với đất và người Việt Hải, du khách Việt cũng mê đắm cảm giác thư thái ở một vùng đất xa cách đất liền, thưa thớt người ở, gần như không có hoạt động giao thương.

    Anh Bùi Văn Nam, một người du lịch chuyên nghiệp đánh giá: “Lợi thế nổi trội của du lịch Việt Hải chính là sự đơn sơ trong nếp sống, sinh hoạt, cuộc sống hài hòa với thiên nhiên. Ngoài ra, những trải nghiệm khác biệt trên đường di chuyển tới đây từ chèo thuyền, leo núi, ngắm vịnh… cũng là lợi thế khó nơi nào sánh kịp”.

    Ngủ lại một đêm ở Việt Hải, nếu thích du khách vẫn có thể xem truyền hình cáp, vào internet giống như đang ở đô thị nhộn nhịp, thừa sóng wifi. Song nhiều người không chọn cách đó. Sau một ngày trải nghiệm bằng cách đạp xe, đi bộ, leo núi thăm cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, du khách tĩnh tại nghe tiếng côn trùng rả rích, trôi vào giấc ngủ yên bình, sáng vươn mình thức dậy giữa ban mai với xanh ngắt cỏ cây của núi rừng, mặn mòi của gió biển.

    Mỗi năm xã Việt Hải đón từ 12.000 - 20.000 lượt khách. Bí thư Đảng ủy xã Việt Hải Nguyễn Văn Lợi vẫn nuôi dưỡng ý tưởng giữ gìn Việt Hải là vùng quê yên bình, sạch sẽ, mang đặc trưng của làng xã Bắc Bộ với đồng lúa, bờ tre, cá bơi trong suối, gà chạy ngoài vườn. Không gian sinh hoạt là nếp nhà xưa cũ với chõng tre, ghế tre. Sẽ cần nhiều sự nỗ lực, đầu tư để ý tưởng đó thành hiện thực nhưng khi mọi thứ chưa thật hoàn hảo, du khách vẫn có thể có những trải nghiệm riêng có, độc đáo khi ở nơi này.

    Theo Minh Thu (TTXVN)
    Du lịch, GO!

    Việt Hải, làng thôn dã giữa Cát Bà
    Động Quả Vàng kỳ thú ký


    Một số lưu ý khi du lịch đảo Việt Hải:
    – Trên đảo dùng được 3G, một số nơi có wifi miễn phí.
    – Có thể mang xe máy lên đảo Việt Hải để đi lại thuận tiện nhất
    – Đò từ Cát Bà ra đảo Việt Hải là đò xã lên chỉ có 2 chuyến 11h và 13h trong ngày

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử