• Breaking News

    Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

    Ngọc Tem – xứ sở của chuối rừng

    (BKT) - Kon Plông được biết đến là vùng đất với rất nhiều đặc sản núi rừng và các loại cây dược liệu như: măng khô, chuối rừng, sơn tra, tiêu rừng... Tuy nhiên, mỗi vùng đất lại có những loại cây đặc trưng, ưu thế riêng. Và xã Ngọc Tem là địa phương được xem như xứ sở của chuối rừng Kon Plông.

    Quà tặng của đại ngàn

    Những ai đã từng đến Ngọc Tem có thể dễ dàng thấy chuối rừng gần như là loại cây chiếm ưu thế ở đất rừng nơi đây. Khắp các vạt rừng, chuối mọc bạt ngàn từ ven suối lên đến đỉnh núi, từ bìa làng đến tận các khu rừng sâu. Anh Đinh Hồng Quế - Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Tem tiết lộ: Chuối rừng là món quà mà đại ngàn đã ban tặng cho vùng đất Ngọc Tem. Có lẽ không ở đâu chuối rừng lại nhiều như ở đây; khí hậu ôn hoà, độ ẩm cao cùng với đất đai màu mỡ đã tạo điều kiện cho cây chuối rừng phát triển mạnh mẽ.

    Ngày trước chuối rừng chỉ là thứ quả ăn chơi khi đi rừng, mùa khô người dân cũng có lấy về phơi rồi ngâm rượu nhưng không nhiều; phần được sử dụng phổ biến nhất là bắp chuối (hoa chuối), thân chuối non dùng để chế biến thành các món ăn. Thế nhưng, bây giờ quả chuối rừng đã trở thành sản vật đặc trưng của núi rừng Kon Plông rất được ưa chuộng, nên nhờ đó đã giúp người dân trong xã có thêm nguồn thu.

    Anh Quế chỉ cho chúng tôi dấu hiệu nhận biết của loài chuối đặc trưng ở Ngọc Tem: Chuối rừng thân ốm tong teo, nhưng lại có sức sống lạ kỳ, thân cây cao tới 3 – 4m. Chuối rừng không mọc đơn lẻ mà mọc thành vùng, thành rừng, thành một xứ sở bát ngát và điều đặc biệt là ở khu rừng nào có chuối mọc, ở đó là lãnh địa của chuối, cây cổ thụ không chen vô được. Mùa xuân, chim chóc kéo về làm tổ trên nách lá, trên buồng chuối, chim non sinh ra và lớn khôn bằng những trái chuối chín vàng rồi bay đi xa.

    Khác với chuối trồng tại nhà, chuối rừng khi ra bông mọc thẳng đứng ở ngọn chứ không mọc thõng xuống, hoa có màu đỏ thẫm. Buồng chuối rừng thường nhỏ, buồng nào to nhất cũng chỉ từ 5-6 nải là hết, mỗi nải chừng 12 - 15 trái là nhiều.

    Trái chuối rừng thường chỉ to bằng ngón tay cái, chuối chín ăn ngọt lịm, nhưng vì có nhiều hột nên chẳng ai coi đây là loại trái cây để ăn mà hầu như chỉ sử dụng cho các bài thuốc dân gian. Đặc điểm rất đáng chú ý là quả chuối rừng khi mới ra thì có màu trắng đục, nhưng khi lớn vỏ ngoài của trái chuối có màu tím, chín ngả sang màu vàng và bên trong ruột có rất nhiều hột màu đen.

    Theo người dân ở Ngọc Tem, người đi rừng thành thạo luôn tìm tới những khu vực có nhiều chuối rừng để dừng chân. Đó là những nơi có nguồn nước tinh khiết và nhiều nhất trong mùa hè. Song, người đi rừng thường chỉ chặt vài cây chuối nhai như mía là đủ đã khát mà lại khoẻ người vì trong thân chuối có rất nhiều dưỡng chất chứ chẳng cần phải uống nước suối, nước từ khe núi chảy ra.

    Mấy năm nay, chuối rừng đang từng bước trở thành hàng hóa đã giúp có thêm nguồn thu nhập cho bà con đồng bào DTTS vùng cao Ngọc Tem. Thương lái trong huyện và cả ở dưới tỉnh Quảng Ngãi đều tới Ngọc Tem để mua chuối rừng.

    Mùa nắng ráo, bà con đi rừng gặp chuối chín, chặt về bóc vỏ phơi khô, để dành khi gặp người mua sẽ mang ra bán với giá từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, còn vào mùa mưa nếu có người mua, người dân vẫn đi kiếm nhưng chỉ bán tươi, giá mỗi buồng từ 30.000 – 40.000 đồng, tuỳ thuộc buồng nhiều trái hay ít trái.

    A Bíp (làng Điek Tem) kể: Ngày xưa ít người tìm đến mua chuối rừng nên rất dễ kiếm, nhưng giờ để kiếm được những buồng chuối rừng đẹp cũng khá vất vả vì phải vào sâu trong rừng thì mới có nhiều. Nếu mình chịu khó, mỗi chuyến đi rừng cũng kiếm được 5 – 7 buồng chuối mang về bán cho thương lái hoặc các cửa hàng tạp hoá ở xã cũng được từ 150.000 – 200.000 đồng. Mình thường tranh thủ những đợt việc nhà nông ít đi kiếm chuối về bán để thêm tiền mua thức ăn, may quần áo cho con.

    Món ăn ngon, vị thuốc quý

    Theo người dân Ngọc Tem, toàn thân cây chuối rừng đều có thể sử dụng. Nếu như quả chuối rừng được sử dụng như một loại thảo dược, thì bắp chuối, cây chuối rừng lại được sử dụng để chế biến thành các món ăn. Cũng theo anh Đinh Hồng Quế: Bắp chuối rừng vốn là nguồn thực phẩm quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho bà con vùng cao Ngọc Tem, những món ăn từ bắp chuối với vị ngọt, chát, giòn hoà quyện với hương vị của núi rừng có lẽ là những món ăn đáng nhớ nhất ở đây.

    Để thưởng thức hết hương vị thơm ngon của bắp chuối rừng, người dân thường chọn những bắp chuối vừa mới ra hết buồng; tước bỏ phần bẹ ngoài, thái lát mỏng ngâm vào nước; sau đó vớt ra để ráo, trộn với các loại rau khác để ăn sống. Với đôi bàn tay khéo léo, người phụ nữ vùng cao đã chế biến bắp chuối rừng thành nhiều món ăn dân dã không những ngon miệng, mà còn tốt cho sức khoẻ.

    Dễ chế biến nhất là bắp chuối xào, chỉ cần bắc chảo lên phi thơm dầu cùng hành tỏi, cho bắp chuối thái mỏng vào xào, rắc lên một ít tiêu, nêm gia vị vừa ăn là được. Trong những ngày nắng nóng, gỏi bắp chuối rừng là món ăn rất phổ biến, hay món canh bắp chuối với thịt và cá suối.

    Thân chuối cũng là một nguyên liệu làm món ăn, nhưng khi làm thì hay dùng thêm một số nguyên liệu khác để phù hợp và ngon hơn như chuột đồng, chim, gà rừng... và các loại gia vị tiêu rừng, ớt, bột ngọt.

    Những món ăn từ chuối rừng dân dã, bình dị là thế, nhưng hương vị thơm nồng cay cay của món ăn khiến những ai đã ăn một lần thì không thể quên được.

    Thời gian gần đây, trái chuối rừng ở Ngọc Tem được thương lái khắp nơi tìm đến mua và mang đi các địa phương trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bởi những công dụng đặc biệt của nó. Điều khá thú vị là đến bất kỳ điểm nào có bán chuối rừng, người mua thường được giới thiệu rất kỹ càng, nhưng không phải là ăn như thế nào mà là công dụng trị bệnh của nó. Vì thế, nhiều người có dịp lên Kon Plông thường mua ít chuối rừng để mang về làm quà.

    Trong kinh nghiệm dân gian, khi chuối chín, người ta lột vỏ, để cả trái phơi khô, ngâm với rượu trắng, càng lâu càng tốt, cho ra một loại rượu có màu vàng tươi đẹp, uống thơm và bổ dưỡng. Theo y học cổ truyền, trái chuối hột rừng có tác dụng chữa được bệnh đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp, giúp lợi tiểu, chữa đau lưng, mệt mỏi…

    Chính công dụng của những trái chuối rừng mang đầy hương vị của núi rừng, của đất trời mà từ một loại cây mọc hoang, giờ đây chuối rừng đã được nhiều người biết đến. Chuối rừng – loài cây đã được mẹ rừng ban tặng cho người dân Ngọc Tem và giờ đây đang trên đường trở thành hàng hoá góp phần giúp người dân cải thiện thu nhập.

    Để bảo tồn diện tích chuối rừng, chính quyền xã Ngọc Tem luôn nhắc nhở người dân khai thác một cách hiệu quả, chỉ khai thác những cây có buồng chín, không chặt phá bừa bãi để đảm bảo lợi ích bền vững – anh Đinh Hồng Quế cho biết thêm.

    Theo Hương Nga (Báo Kontum)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử