• Breaking News

    Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

    Phải đi mới biết mình đang sống

    (ANTD) - Khác với một vài “phượt thủ” thường lấy thành tích “check-in” để làm đẹp profile (hồ sơ) của mình, Đinh Hằng “không bao giờ đếm xem mình đã đi bao nhiêu nước” và chỉ đơn giản là “thích thì đi thôi”.

    - PV: Chào chị, vì sao lại là Đông Nam Á - chắc nhiều người cũng hỏi chị như vậy khi chị chọn một điểm đến quá quen thuộc là chủ đề cho cuốn sách thứ hai của mình?

    - Tác giả Đinh Hằng: Thực ra, Đông Nam Á với người Việt mình giống như “bụt chùa nhà không thiêng”. Nhiều người nghĩ rằng “Đông Nam Á thì có gì?”, “Đông Nam Á có gì thú vị đâu?” … Nhưng nếu bạn đặt chân đến các nước trong khu vực thì sẽ đồng ý với tôi: Đây là nơi đáng đi nhất trên thế giới. Bởi vì chỉ có 11 quốc gia nhưng Đông Nam Á cái gì cũng có, từ tầng sâu văn hóa, lịch sử cũng như cảnh quan thiên nhiên vô cùng hùng vỹ.

    Từ bãi biển xanh màu ngọc bích của Koh Samui Thái Lan, đến những đỉnh núi trùng điệp ở Đông Timor, rồi rừng rậm nhiệt đới ở Malaysia, hay dòng sông Mê Kông uốn lượn ở Lào. Điều thứ hai tôi thích nữa là dù cùng là một khu vực nhưng con người Đông Nam Á rất khác nhau. Nước theo Phật giáo, nước Hồi giáo, nước Thiên Chúa giáo…

    Ngay ở Indonesia, đi từ đảo lớn Java sang đảo Bali là hai thế giới hoàn toàn khác. Đông Nam Á với tôi là nơi “đi hoài cũng không đi hết”.

    - Hành trình Đông Nam Á của chị đã bắt đầu như thế nào?

    - Cuốn “Chân đi không mỏi: Hành trình Đông Nam Á” giống như một sự góp nhặt của quãng thời gian 6 năm kể từ khi tôi bỡ ngỡ bước vào thế giới “du lịch bụi” với điểm đến đầu tiên là     Campuchia. Tôi đã đi phân nửa các nước Đông Nam Á. Cho đến hè năm ngoái, khi bị áp lực nặng nề vì công việc PR và quyết định nghỉ việc, tôi cũng chỉ định đi đâu 1 tháng  nhưng rốt cuộc chuyến đi đó kéo dài tận 4 tháng. Và rồi, thế nào tôi đã đi hết các nước còn lại ở khu vực Đông Nam Á (Cười).

    - Trong hành trình đó, có khi nào chị cảm thấy mình thật liều lĩnh?

    - Có một chuyện mà nghĩ lại tôi cũng thấy mình hơi liều, đó là khi đến Timor Leste, tôi rất muốn leo lên đỉnh Ramelau - đỉnh núi cao nhất ở đất nước này, vì tôi nghe nói bình minh ở trên đó rất đẹp.

    Mà bạn biết đấy, Đông Timor là một quốc gia rất non trẻ, hạ tầng du lịch còn tương đối nghèo nàn. Tôi xông đến điểm cho thuê xe máy duy nhất ở Thủ đô Dili để thuê một chiếc Honda cà tàng.

    Đường đi chỉ có 100 cây số nhưng tôi đi mất 5 tiếng đồng hồ, vì đường chỉ toàn “ổ voi”. Ở đó, người dân đi bên trái, tôi không quen. Ngày hôm ấy, tôi phát hiện ra mình là người phụ nữ duy nhất lái xe trên đường. Đi một đoạn, tôi nhận ra một chiếc xe máy cứ bám theo mình. Lúc đó tôi hơi hoảng, vì cứ đi chậm lại thì anh ta cũng đi chậm lại theo.

    Thế là đến một đoạn ngã ba, khi có nhiều xe qua lại, tôi quyết định dừng xe. Anh ta chạy lên, phân bua một hồi tôi mới hiểu, hóa ra anh ta thấy tôi là nữ, lại đi một mình, sợ tôi gặp chuyện gì nên đi theo để giúp đỡ. Chỉ thế thôi mà tôi tưởng gặp người xấu (cười).

    -  Hình như lần này chị đi du lịch trong một tâm thế khác, vui vẻ và yêu đời hơn, nhất là sau những khủng hoảng trong cuốn “Quá trẻ để chết”?

    - Như mọi người biết, cuốn “Quá trẻ để chết” là một câu chuyện buồn bã. Tan vỡ ngay trước ngưỡng cửa hôn nhân, tôi đã bị trầm cảm nặng nề. Thậm chí khi ở Mỹ, tôi đã từng có ý định tự tử.

    Nhưng đến một hôm khi ngắm hoàng hôn rơi xuống ngọn núi, ở Canyonlands, Mỹ - một cảnh tượng chưa bao giờ đẹp và hùng vỹ đến vậy, tôi chợt nghĩ, nếu kết thúc ở đây thì sẽ không bao giờ được nhìn ngắm những buổi hoàng hôn huy hoàng như vậy nữa. Thế nên tôi cứ đi và đã kéo mình ra khỏi bờ vực của sự khủng hoảng.

    - Hỏi thật, trước khi bước vào hành trình nào đó, chị có e ngại điều gì không?

    - 6 năm trước khi lần đầu tiên ra khỏi Việt Nam một mình, tôi cũng có nhiều nỗi sợ lắm. Sợ bị lừa, bị cướp, bị người ta làm hại…
    Nhưng càng đi, tôi thấy những nỗi sợ của mình càng vô cớ. Vì nếu sợ thì bạn sẽ không bao giờ biết được những điều tốt đẹp chờ đợi mình ở phía trước. Thực ra, tôi là người rất cẩn trọng chứ không phải liều lĩnh. Tôi quan sát khá tốt, nếu trực giác mách bảo tôi cái gì không ổn thì nó là không ổn.

    Năm 2011, tôi có đi Ai Cập đúng vào thời điểm Mùa xuân Ả rập. Khi tôi đến thành phố Alexandria (phía Bắc Ai Cập) thì gặp cuộc đại biểu tình trước bầu cử. Nó kinh khủng đến nỗi lần đầu tiên có một người biểu tình bị bắn chết, chỉ cách nơi tôi ở có 5 phút đi bộ. Tôi quyết định hủy ngay hành trình đó và quay trở lại Cairo. Ở đây, tôi bị dính hơi cay và được những thanh niên ở đó, những người xa lạ cứu giúp.

    - Có người nói “Cái giá của tự do là cô đơn”. Chị đi du lịch một mình nhiều như vậy, có lúc nào chị cảm thấy cô đơn không?

    - Tôi hay được mọi người đặt câu hỏi: “Tại sao lại đi một mình”. Tôi thường trả lời: “Đi một mình thì có gì sai?”. Đi du lịch mỗi người có một phong cách khác nhau, có người thích đi nghỉ dưỡng, có người thích “phượt” hay đi kiểu “ba lô”. Thực ra tôi không cảm thấy cô đơn. Tôi nghĩ rằng chỉ khi cần ai đó, tôi mới thấy cô đơn.

    Còn đi du lịch một mình là tôi dành thời gian cho chính bản thân mình. Khi rảnh thì viết lách, tự đối thoại với chính mình. Còn khi nào cần có ai đó, luôn luôn có những người xung quanh ở đó để tôi giãi bày, nói chuyện. Tôi chỉ muốn nói rằng, hãy mở rộng trái tim, đừng e ngại!

    Theo Mai Anh (An Ninh Thủ Đô)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử