• Breaking News

    Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

    Thảo nguyên hồng ban mai

    (BCT) - Có một loài cỏ chuyển sắc hồng vào độ chớm đông, như những bếp lửa sưởi ấm cho cỏ cây, hoa lá và cho cả không gian mênh mông của cao nguyên Lâm Viên. Nắng lên, những giọt sương đêm còn đọng lại trên những lá cỏ li ti như những viên kim cương lấp lánh làm ngẩn ngơ du khách.

    Cao nguyên Lâm Viên là xứ sở gây bao thương nhớ, khiến du khách chưa rời xa đã muốn trở lại. Có người thắc mắc: xứ sở đó có gì vui mà sao năm nào cũng đi cả chục lần? Đó là bởi với những người yêu cao nguyên này, mỗi tháng là một mùa chứ không chỉ có bốn mùa xuân-hạ-thu- đông trong một năm. Tháng cuối năm là mùa của cỏ hồng sau khi mùa dã quỳ đã đi qua.

    Cỏ hồng nằm ở vùng ngoại ô Đà Lạt. Chẳng ai vun vén tưới trồng, mà xanh um quanh năm. Những lúc hạn nặng thì vàng vọt, có khi héo úa. Mưa xuống, cỏ mọc lại lá non và xanh tươi tốt như thể được chăm bón kỹ lưỡng. Để rồi tiết lập đông, cả cao nguyên lạnh lẽo dưới nền trời xanh cao vút, cỏ chuyển sang màu hồng đầy ngoạn mục. Người ta bảo, cỏ hồng nối tiếp hoa dã quỳ sưởi ấm cho mùa đông cao nguyên. Từ xa, nhìn từ trên cao, những thảm cỏ hồng như những bếp than rộng lớn lan tỏa làn hơi ấm áp. Ngoài kia, trên làn nước phẳng lặng là lớp sương mỏng tang, như những sợi khói bốc lên từ mặt hồ. Phía cuối hồ là ngọn Lang Bian sừng sững. Đó là một cao nguyên Lâm Viên rất khác với những gì du khách thường biết đến gồm những ngôi biệt điện, những thung lũng hoa và rừng thông ngút ngàn.

    Cỏ hồng chẳng biết có tự bao giờ. Dường như chưa ai tìm hiểu hay nghiên cứu về nó. Với người bản địa, cỏ hồng có từ khi Lâm viên có những rừng thông. Loài cỏ này chỉ xuất hiện ở những rừng thông già, nằm heo hút những nơi xa, ít có chân người lui tới.

    Một ngày vô tình, cỏ hồng lọt vào ống kính nhiếp ảnh của những kẻ lang thang. Người ta đóng khung cho tấm hình đẹp như bức tranh vẽ lung linh huyền ảo. Từ đó, cỏ hồng chính thức được biết đến và được đưa vào hành trình du lịch trong những năm gần đây. Đến mùa cỏ chuyển sắc hồng, người ta lũ lượt kéo nhau lên cao nguyên.

    Cỏ hồng mọc sát đất như cỏ chỉ sân bóng. Chúng mọc thành chùm với những chiếc lá li ti mỏng manh. Khi chuyển sang sắc hồng, cỏ nở hoa nhỏ xíu mà phải nằm sát đất mới thưởng thức được loài hoa này. Hoa nở quanh thân trông rất giống cỏ may nhưng tỷ lệ thu nhỏ lại, rất nhỏ. Cỏ đẹp nhất là lúc mặt trời vừa lên, kéo dài đến khoảng 8 giờ sáng. Vì thế, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thảo nguyên cỏ hồng, du khách phải dậy từ rất sớm để di chuyển ra ngoại ô Đà Lạt trước khi nắng lên. Tiết trời đông cao nguyên lạnh buốt, can đảm lắm mới chui được ra khỏi tấm chăn dày ấm áp để đi xuyên qua những làn sương dày ướt dẫm của đêm tàn. Muốn tới nơi phải mất thêm khoảng 1 giờ di chuyển: vừa ngồi xe gắn máy qua những con đường gập ghềnh, vừa phải đi bộ qua những đoạn mà xe gắn máy không đi được nữa.

    Trong màn đêm trước bình minh, cỏ hồng xoàng xĩnh lắm. Chẳng có dấu hiệu gì của vẻ đẹp vạn người mê như trong ảnh. Nhưng khi mặt trời lên, người ta như vỡ òa. Như một phép màu, chiếc đũa thần vừa chạm vào từng ngọn nhỏ li ti. Cả thảo nguyên như bừng dậy. Sương đêm còn sót lại như thể ai đó vừa tung một cơn mưa hạt pha lê tưới lên cả thảo nguyên lấp lánh. Người ta phải cúi đầu thật gần, cả mũi lẫn môi chạm vào những hạt pha lê lạnh buốt để nhìn cỏ rõ ràng hơn. Bất chấp cái lạnh tê tái, người ta phải nằm sát rạt trên thảm cỏ ướt đẫm để chụp lại những tấm hình đẹp nhất. Vì mặt trời lên cao một chút, những hạt pha lê sẽ biến mất, để lại những sợi cỏ mong manh màu hồng phơn phớt tím.

    Giữa chốn hoang vu và lạnh lẽo này, cỏ hồng tưởng chừng như bình dị nhưng lại được tung hô như "nữ hoàng". Cả một vương quốc mang một màu xanh của lá, màu nâu trầm của thông, thì sắc hồng của cỏ trở nên quý phái, ngự trị vạn vật. Có người lại bảo, loài cỏ này như tuổi xuân con gái.

    Thời gian không kéo dài lâu. Bởi màu hồng chỉ hiện diện chừng 2 tháng. Khi hoa cỏ tàn khô, những chiếc lá li ti cũng lớn hơn một chút rồi chuyển sang màu xanh của lá. Khi đó, tuổi thanh xuân đã qua đi.

    Khi nắng lên cao, thảo nguyên dưới rừng thông trở về với hiện tại, không còn lung linh, huyền bí nữa. Dù vậy, người ta vẫn có thể chiêm ngưỡng những mảng hồng phơn phớt tím pha lẫn với những mảng xanh như một bức tranh được phối màu lạ lẫm. Những đàn ngựa, đàn bò từ những trang trại đổ ra. Chúng thong thả lang thang gặm cỏ.

    Thảo nguyên cỏ hồng được đóng một chiếc khung khác gần gũi với cuộc sống: rất yên bình, thong dong không chút hối hả, đua chen. Đâu đó những chàng họa sĩ ngồi yên lặng dưới gốc cây, chấm những mảng màu tô lên nền vải…

    Ðường đến thảo nguyên hồng

    Trong các điểm đến của cao nguyên Lâm Viên, có lẽ đến thảo nguyên cỏ hồng là hành trình gian nan nhất. Du khách phải thức dậy từ rất sớm, buốt người trong sương lạnh, đi trên con đường gập ghềnh đá và rễ thông, vất vả mới đến được thảo nguyên đúng thời điểm đẹp như cổ tích.

    Giữa mùa đông mưa phùn lạnh giá, chui ra khỏi tấm chăn là một nỗ lực đáng nể. Cầm lái xe gắn máy mà cả người cứ run bần bật dù đã vận áo ấm dày cộm và choàng chiếc khăn len ấm áp. Xe lướt đi dưới ánh đèn vàng rồi chìm trong sương mờ vùng ngoại ô xa Đà Lạt. Theo tuyến đường 722 dọc theo hồ Suối Vàng chừng khoảng 5 cây số thì có một ngã rẽ cũng là một con dốc cao về phía hồ. Rời đường nhựa phẳng phiu, bắt đầu con đường đá lởm chởm xen lẫn rễ thông mòn nhẵn trơn bóng. Đường còn đẫm sương đêm và ẩm ướt do cơn mưa đêm trước nên rất trơn trợt. Nhiều đoạn, chỉ có người lầm lái mới ngồi trên xe nhưng phải dùng cả hai thắng tay và chân nhích từng tấc để không bị trượt ngã; người ngồi sau phải đi bộ nhưng cũng không thể đi nhanh được. Qua đoạn đường vất vả này chừng 2-3 cây số là đến con đường khá bằng phẳng, bắt đầu đến thảo nguyên mang màu cổ tích.

    Thật ra, cỏ hồng có ở rất nhiều nơi. Dưới các đồi thông, đường vào Thung Lũng Vàng cũng có những đồi cỏ nhưng quy mô nhỏ và khung cảnh không đẹp bằng thảo nguyên bên hồ nước mà chúng tôi đã đi. Ngoài ra, mùa này Đà Lạt còn có một loại cỏ hồng khác, thân mọc cao mà miền Tây gọi là cỏ đuôi chồn. Chúng mọc nhiều ở khu hồ Tuyền Lâm, Thái Phiên, Trại Mát. Lại thêm một loại cỏ hồng khác như cỏ may nhưng hoa to và thân cao hơn. Với hai loại có thân cao này rất dễ tìm. Đi trên các nẻo đường của Đà Lạt dễ dàng bắt gặp những khóm cỏ hồng này. Để có những vạt lớn thì vào làng hoa Thái Phiên. Muốn "khung cảnh" đẹp thì vào hồ Tuyền Lâm, bờ hướng vào Đá Tiên hoặc đi dọc sườn đồi lên đỉnh Pinhat.

    Thời tiết lạnh nên bạn phải chuẩn bị áo ấm, khăn choàng và giày cao cổ để giữ ấm cơ thể khi di chuyển. Tất nhiên, để có những bức ảnh lung linh thì phải có phụ kiện đi kèm như đầm, váy xinh tươi hay những bộ cánh mùa đông. Để trải nghiệm hết vẻ đẹp của thảo nguyên hồng, bạn có thể cắm trại qua đêm trong rừng, vốn rất an toàn hoặc đi theo tour của các doanh nghiệp lữ hành phục vụ "photo tour" hoặc tour khám phá, trải nghiệm. Chi phí khoảng 500.000-600.000 đồng/khách bao gồm cả ăn uống, di chuyển và lều trại.

    Theo Nguyễn Thành (Báo Cần Thơ)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử