• Breaking News

    Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2016

    Trào lưu 'phượt' làm đau đầu dân Tam Đảo

    Người dân thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc bức xúc, than phiền về trào lưu "phượt" phát triển quá mức, gây không ít phiền toái.

    Trong đợt giao ban báo chí mới đây do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức, ông Nguyễn Hồng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo, cho biết tình trạng đi du lịch (chủ yếu là giới trẻ) theo cảm hứng và ăn, ngủ, nghỉ không ổn định, căng lều bạt ngoài trời thưởng ngoạn vẻ đẹp, không khí trong lành của thiên nhiên, trời đất... - mọi người quen gọi là đi "phượt" - đang là mối quan tâm của chính quyền và người dân thị trấn Tam Đảo.

    Mỗi ngày, thị trấn Tam Đảo có hàng trăm lượt khách đi "phượt" xe máy, thậm chí có ngày tới cả nghìn lượt xe máy lên thị trấn Tam Đảo, rồi cũng ngần ấy xe ùn ùn kéo xuống.

    Các xe máy của dân đi "phượt" chủ yếu là xe phân khối lớn, có cả xe tự chế... tổ chức đi theo đoàn và khi đi có những nhóm, hay nẹt pô gây ầm ĩ, mất trật tự, lạng lách dễ gây tai nạn giao thông, gây bất an cho người tham gia giao thông, nhất là đoạn lên dốc, xuống đèo ở núi Tam Đảo với hàng chục khúc cua tay áo vốn đi đứng bình thường đã thấy nguy hiểm.

    Nhiều người dân cho rằng, nếu hàng trăm, thậm chí cao điểm có cả nghìn lượt người đi "phượt" mỗi ngày ở những điểm du lịch khác rộng lớn cũng không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhưng với thị trấn Tam Đảo là một vấn đề lớn, phức tạp.

    < Phê phán của người dân Tam Đảo.

    Thị trấn Tam Đảo là nơi quá nhỏ bé, và những ngày hè, ngày nghỉ cuối tuần rất hay quá tải. Thị trấn có tổng diện tích tự nhiên gần 215 ha, được chia làm 2 thôn.

    Khu du lịch Tam Đảo nằm chủ yếu tại thôn 1 và 1 phần của thôn 2. Như vậy, khu du lịch nghỉ mát tập trung chỉ có hơn 100 ha vốn có người, xe tấp nập, gần đây lại phải đón cả trăm, có ngày cả nghìn lượt khách "phượt" là không ổn.

    Ngoài tiếng ồn của xe máy phân khối lớn, tiếng hò hát ban đêm vang vọng ảnh hưởng đến giấc ngủ người dân quen sống với yên tĩnh nơi đây. Thêm vào đó dân "phượt" cũng thích ngắt rau, bẻ hoa, bẻ cành, nấu nướng và ăn uống tại trại, đương nhiên để lại rất nhiều rác thải, chất thải... Đặc biệt, do sinh hoạt ngoài trời, trong lều bạt, việc vệ sinh cá nhân của dân "phượt" cũng bừa bãi ra cả núi đồi, khe suối...

    < Rau susu 'mượn tạm' ở Tam Đảo.

    Ông Trần Mạnh Hùng, một cán bộ về hưu của thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đang sinh sống tại thị trấn Tam Đảo, cho biết từ ngày có phong trào "phượt," thị trấn Tam Đảo có thêm rất nhiều người và phương tiện. Phố núi thêm nhộn nhịp hơn và sống động hơn. Điều này có nghĩa thị trấn Tam Đảo vài năm qua rất nhiều du khách ở các tỉnh, thành phố đã biết đến, tìm đến, cũng nhờ vậy mà các dịch vụ phát triển.

    Tuy nhiên, bên cạnh đó "phượt" cũng gây ra nhiều phiền toái như tiếng ồn lớn suốt ngày đêm do xe cộ, sử dụng còi công suất lớn sai quy định, hò hát... Nạn rác thải, chất thải xả không đúng quy định hàng ngày rất lớn khiến vấn đề môi trường thị trấn Tam Đảo ảnh hưởng lớn. Điều này đòi hỏi chính quyền và ngành chức năng tỉnh phải có biện pháp quản lý, nếu không Tam Đảo sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có.

    Đã có lần: Vườn su su - món rau rất được yêu thích của Tam Đảo - bị dân phượt hái trụi cả cành non, không có rau để thu hoạch trong nửa tháng qua. Có nhóm cắm lều, dẫm đạp hỏng gốc su su khiến người dân phải trồng lại toàn bộ.

    Theo Nguyệt Linh/TTXVN/VIETNAM+
    Du lịch, GO!

    Điền Gia Dũng: Buồn, nhưng thật lòng nói thẳng các bác đừng ném đá (mà có ném cũng đành) - Sao bây giờ, ai đi du lịch bằng xe gắn máy cũng tự nhận (hoặc người khác gán cho) là 'dân phượt' hỉ? 

    Theo ý thiển cận của mình: 'Phượt' là thích lãng du, khám phá những vùng đất lạ bằng phương cách ít tốn kém nhất, phượt là vi vu trên những nẻo đường hoang sơ để đến những chốn đẹp cả về thiên nhiên lẫn con người, những nơi mà chẳng khách du lịch nào có ý tưởng sẽ đến. Phượt là người thuộc nằm lòng câu "Hãy mang đi những gì bạn mang đến, chỉ lấy đi những tấm ảnh và để lại những dấu chân".

    Cái kém của đa số dân phượt thật sự là thích sẻ chia: 'ít người biết' thì không sao nhưng 'nhiều người biết' lại 'ít ý thức' thì chỉ sau một thời gian ngắn: chốn ấy chả còn gì nguyên sơ ngoại trừ rác và các nứt vỡ của thiên nhiên.
    Vậy nên dân 'phượt' thật sự thường chỉ đến nơi đó 1 lần duy nhất, sau đó họ sẽ lại tìm một chốn mới... mà rất có thể nơi đó hiếm dấu chân người..., sau đó thì lại... dại dột chia sẻ!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử