• Breaking News

    Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

    Hến sông Hoài ngọt lịm tháng 2

    (TTO) - Sông Hoài (Hội An, Quảng Nam) bước vào mùa hến tháng 2, tháng 3. Du khách tận mắt chứng kiến ngư dân thu hoạch hến và được dịp thưởng thức các món ăn dân dã từ hến.

    < Hến xào chuối cây, món ngon độc đáo xuất hiện nhiều trong các nhà hàng ven con sông Hoài.

    Tháng 2, ánh nắng thoắt ẩn, thoắt hiện trên từng ngã hẻm phố Hội An như đùa vui với khách du lịch và làm ấm dần nước sông Hoài. Đấy là thời điểm cư dân ở làng chài nằm nép mình bên sông vội vã bước vào mùa cào hến.

    < Khúc sông Hoài trở nên rộn ràng khi bước vào mùa cào hến tháng 2, tháng 3.

    Sông Hoài mỗi năm hai mùa nước lớn, cạn nhưng không đều. Có năm sông quặn lên, nước dâng nhiều đợt lũ đục ngầu. Duy chỉ mùa hến tháng 2, tháng 3 là không thất thường, nhiều vô kể và ngon, ngọt nhất trong năm.

    Có gia đình đã cào hến cả đời, có người kiếm kế mưu sinh từ con hến đã hơn hai, ba chục năm vậy mà không hiểu sao cứ đến mùa hến tháng 2, tháng 3 âm lịch lòng vẫn rạo rực, nôn nao…

    < Nhiều khách du lịch tuyến du lịch trên sông Hoài tận mắt chứng kiến ngư dân cào hến.

    Riêng khách du lịch, nếu muốn chỉ cần mươi phút đạp xe men sông Hoài, qua cầu An Hội hoặc có thể đón tàu từ bến đò Hội An để về cồn hến.

    Không chỉ được tận mắt chứng kiến các ngư dân tay thoăn thoắt từng công đoạn kéo hến, đổ hến, đãi hến, vận chuyển lên bờ..., du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ăn dân dã từ hến.

    < Mẻ hến nặng trịch được kéo lên.

    Một điều lạ, hến tháng 2, tháng 3 vỏ mỏng nhưng thịt đầy và ngọt, tưởng chừng như đã chắt chiu hết vị ngọt phù sa.

    Dường như ở Hội An hến nổi tiếng hơn nhờ món trộn. Có nhiều cách làm món hến trộn nhưng người Hội An phần lớn đều trộn hến khá đơn giản để giữ nguyên độ ngọt của nó.

    < Đổ hến vào ghe để vận chuyển vào bờ.

    Cách làm phổ biến có lẽ là xào hến với dầu ăn, nêm nếm nhẹ, cho thêm đậu phụng rang, một chút hành phi, sa tế, rắc chút vừng và rau răm…

    Để tăng thi vị cho món hến trộn, nhất định phải có bánh tráng nướng giòn. Tuy nhiên, điều lưu ý nhất là khi chế biến hến trộn cần canh thời gian vừa đủ, xào hến chừng 3 phút, khi hến vừa thấm gia vị thì phải dừng lửa ngay.

    < Hến sau khi đã đãi được mang đi luộc. Hến sẽ tách hết vỏ, từng con hến nở bung ra, đảo vài lượt theo chiều kim đồng hồ, thịt hến rời khỏi vỏ, nhanh tay dùng rổ vớt hến.

    Không nên xào kỹ bởi sẽ làm thịt hến săn lại, dai, ăn mất ngon. Người sành du lịch, đến Hội An dù vội vàng đến mấy cũng phải ghé lại gánh hến trộn bên hè phố hoặc băng qua cầu Cẩm Nam mà thong dong thưởng thức món đặc sản hến trộn.

    < Bát canh hến hiện hữu trong mâm cơm người dân phố Hội.

    Vị ngon thanh đạm của từng con hến như một sự thanh bình giữa bao nhiêu nhốn nháo bộn bề...

    Ngoài ra, những ngày này trong bữa cơm người phố Hội, thực đơn của hến vô cùng phong phú. Ví như món canh phải kể đến chục món với rau muống, cải ngọt, mùng tơi, hay bầu, bí…

    < Hến trộn phố Hội ngon lại rẻ nên luôn được khách du lịch lựa chọn.

    Nhưng có lẽ độc đáo nhất là hến xào chuối cây, đĩa hến nóng hổi, nghi ngút khói thơm nhẹ vừa ngon lại mát. Nhiều gia đình còn khéo léo đúc chả hến hoặc làm bánh xèo hến...

    Ở phố Hội, hến tháng 2, tháng 3 trở thành một khúc hòa tấu dân dã, ngon và lạ miệng. Cũng vị ngọt, mặn, cay, pha chút chát, béo bùi nhưng sao cứ mơn man miệng ta, miếng nọ gọi miếng kia, tưởng như không bao giờ chán.

    Theo Thanh Ly (Báo Tuổi Trẻ)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử