• Breaking News

    Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

    Một ngày phượt ở Bạc Liêu

    (BCT) - Bạc Liêu đang là điểm đến thu hút giới trẻ, nhất là những ai thích du lịch bụi, phượt. Hành trình khám phá xứ biển Bạc Liêu mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, từ cánh đồng gió phảng phất không gian Tây Âu, đến nét cổ kính của những công trình kiến trúc- văn hóa cổ.

    Có một góc trời Tây ở Bạc Liêu

    Nằm ở ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, các trụ có cánh quạt quay đều như chong chóng khổng lồ trên nền trời xanh của nhà máy điện gió Bạc Liêu đang trở thành nơi đăng ký điểm đến (check-in) yêu thích của du khách. Cánh đồng gió- du khách thường gọi một cách lãng mạn như thế khi đến nơi này.

    Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 20km, du khách đi theo đường Cao Văn Lầu, Hoàng Sa ra hướng biển sẽ đến được cánh đồng gió.

    Từ xa, đã nhìn thấy những cột trụ trắng ngà, cao chót vót, với cánh quạt khổng lồ không ngừng quay, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp giữa trời xanh và biển rộng bao la. 62 cột tháp và tua-bin điện gió được đặt trên vùng ngập nước ven biển rộng 500 hécta, bao quanh là màu xanh ngút ngàn của rừng cây ngập mặn.

    Theo người dân bản địa, nơi này là vùng nước lợ, người dân sinh sống bằng nghề nuôi tôm. Năm 2010, dự án điện gió đầu tiên tại ĐBSCL được tiến hành, đã giúp nơi này thành điểm thu hút du khách. Cánh đồng gió đẹp nhất là khi nắng chiều đổ xuống, phản chiếu trên những tua-bin trắng ngà màu vàng óng ánh, tạo nên khung cảnh thơ mộng.

    Con đường đến đây cũng nên thơ không kém: Hai bên đường là những hàng cây xanh, những bụi cỏ may, cánh rừng đước, ruộng muối…

    Đường quê khá yên tĩnh, ít xe cộ qua lại nên du khách thoải mái dừng xe dọc đường, ngắm cảnh, tận hưởng không gian thiên nhiên yên bình. Chính nhờ cảnh đẹp tựa như một góc trời Tây Âu, không ít du khách không quản đường xa, đến đây tham quan và lưu lại những bức ảnh đẹp.

    Nhiều điểm khám phá độc đá

    Cách cánh đồng gió chừng 4-5 km, chùa Xiêm Cán- một trong những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer cổ và đẹp nhất của vùng Tây Nam Bộ, là điểm đến cho những ai yêu thích văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

    Chùa Xiêm Cán có tên chính thức là Komphisako, còn gọi Prêk Sh’râu, thuộc Phật giáo Tiểu thừa của đồng bào dân tộc Khmer. Thế nhưng tên Xiêm Cán lại xuất phát từ tiếng Tiều (của người Hoa gốc Triều Châu, sinh sống nhiều ở Bạc Liêu) có nghĩa là "giáp nước" bởi vùng đất này trước đây nằm cạnh bãi bồi ven biển.

    Xây dựng từ năm 1887, đến nay chùa vẫn còn nguyên vẹn kiến trúc cổ, lưu giữ nhiều tượng và các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Nếu đến đây vào dịp lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào không gian đậm bản sắc văn hóa với những điệu múa, trò chơi của người bản địa.

    Đến Bạc Liêu, du khách chắc chắn không thể bỏ qua khu nhà công tử Bạc Liêu. Được xây dựng từ năm 1919, khu nhà gồm 2 tầng nổi bật với kiến trúc Pháp đặc trưng, vật liệu xây dựng ngôi nhà (thép đúc, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí, ốc vít…) đều có khắc chữ "P" chìm, như minh chứng cho xuất xứ tại Thủ đô Paris hoa lệ. Ngay khi bước chân vào nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi không gian xưa sang trọng, những hiện vật quý giá còn lưu lại một thời xa hoa của người được mệnh danh công tử Bạc Liêu nổi tiếng Nam Bộ vào những năm 1930 và 1940.

    Xứ biển Bạc Liêu còn là điểm dừng chân để khám phá những công trình hiện đại, độc đáo. Với tổng diện tích lên đến 85.000m2, quảng trường Hùng Vương được xem là một trong những quảng trường rộng và đẹp nhất khu vực ĐBSCL. Nơi đây có nhiều công trình phụ trợ ấn tượng, nổi bật là cây đờn kìm được đặt trên đóa sen cách điệu, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cây đờn kìm lớn nhất Việt Nam với tổng chiều cao 18,6m. Trong khuôn viên quảng trường còn có trung tâm triển lãm văn hóa- nghệ thuật và nhà hát Cao Văn Lầu được thiết kế theo hình dáng 3 chiếc nón lá, chóp nón hướng vào nhau. Bên cạnh đó, 3 khối tượng cao 9m, biểu trưng cho sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, cũng góp phần tạo nên những góc ảnh ấn tượng cho du khách thích check-in.

    Một ngày tại Bạc Liêu có lẽ không đủ để du khách trải nghiệm hết các điểm đến, nhưng vẫn có thể khám phá những đặc trưng và lưu lại những bức ảnh đẹp trong nhật ký những chuyến đi.

    Kinh nghiệm du lịch bụi Bạc Liêu

    Từ thành phố Cần Thơ đến Bạc Liêu hơn 105km, thích hợp cho chuyến đi cuối tuần hoặc ngày nghỉ ngắn. Du khách có thể chọn đi xe khách (Phương Trang, Tuấn Hưng…) có tuyến thẳng đến Bạc Liêu; hoặc tự trải nghiệm và khám phá các cung đường bằng xe máy. Để chuyến đi vui vẻ, an toàn, nhiều trải nghiệm, du khách cần lên danh sách các điểm đến, vui chơi giải trí và sắp xếp lộ trình hợp lý cho cả đi lẫn về.

    Trên lộ trình tham quan cánh đồng gió Bạc Liêu, còn có nhiều điểm đến hấp dẫn: chùa Xiêm Cán, vườn chim Bạc Liêu, vườn nhãn cổ, Quán âm Phật Đài, cây xoài cổ thụ, khu du lịch Nhà Mát… Du khách có thể chủ động phân bố thời gian, lựa chọn các điểm đến phù hợp. Trong khi đó, các điểm: Khu nhà công tử Bạc Liêu, quảng trường Hùng Vương, khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu… đều nằm ở trung tâm thành phố, dễ tìm và không tốn quá nhiều thời gian di chuyển.

    Trải nghiệm ẩm thực Bạc Liêu cũng là điều khá thú vị. Tại Bạc Liêu, du khách có thể thưởng thức bánh xèo, bún bò cay, bánh củ cải, bánh tằm… Những món ăn trên có ở các khu ẩm thực gần các điểm du lịch hoặc các quán ở trung tâm thành phố, gần chợ Bạc Liêu. Với bánh xèo du khách có thể thưởng thức tại quán A Mật, bún bò cay có thể tìm đến quán Ánh Nguyệt. Ngoài ra, tại Bạc Liêu cũng có nhiều món ăn vặt hấp dẫn: bánh bao chỉ, cốm dẹp, bánh lọt lá dứa, bánh bò xốp…

    Theo Minh Nhiên, Ái Lam (Báo Cần Thơ)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử