(TNO) - Bỏ công chạy xe từ Sài Gòn đến địa danh Rạch Gầm - Xoài Mút mất khoảng 2 tiếng, tôi đã đến được vùng đất từng ghi tên vào lịch sử với chiến thắng oai hùng của nghĩa binh Tây Sơn cách đây hơn 230 năm.
Chạy vào khu gửi xe, ghé mua ly nước sâm với giá 5.000 đồng để ủng hộ cô bán quán (bởi di tích này không bán vé), tranh thủ ngó quanh, tôi nhận ra một điều rằng, so với các di tích khác của Tiền Giang, Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút rất vắng lặng dù nơi đây nằm sát con sông Mỹ Tho, rất thuận tiện cho việc ngao du thăm thú bằng đường thủy.
Lang thang thăm khuôn viên xanh sạch nhưng buồn tênh, tôi thả bộ ra bờ sông ngắm những vạt lục bình lờ lững trên sông đang dần trôi ra biển, những cánh hoa tím rung rinh, một thoáng nhớ về thời tuổi thơ trong veo.
Hồi ấy, chúng tôi hay ra bờ sông, hái hoa và cắt những cọng lục bình tròn vo để bày bán “bánh mì” trong trò chơi nhà chòi cất bằng thân, bẹ, lá chuối cùng bao cây cỏ khác… Bây giờ ký ức ấy đã trôi xa hơn 40 năm có lẻ.
Đọc sử xưa ghi chép, tôi biết Rạch Gầm vốn là vùng đất nguyên sơ, sông rạch chằng chịt nên cá sấu tụ họp nhiều vô kể. Thuở ấy, mỗi khi ghe chèo qua đây, người ta nghe trong rạch sâu luôn có tiếng gầm, vang vọng cả một mặt sông vắng.
Dulichgo
Vài cư dân gan dạ men theo bờ rừng để theo dõi, họ bắt gặp cả đàn sấu cùng những chiếc đuôi to khỏe, đàn thuồng luồng (tức cá sấu) theo giai thoại và những vệ binh oai hùng của hà bá ra sức tấn công những kẻ nào lạc đến vùng đất của Thủy long thần giới cai trị…
Bây giờ, tìm ghé thăm rạch Xoài Mút, tôi có ý đi tìm cây sà mốp nhưng hầu như chẳng còn ai rành rẽ về cây này nữa. Chỉ khi đến Trà Ôn, tôi mới có duyên gặp một cụ thủ từ trong đền thờ Lăng Ông Điều bát, được nghe cụ kể cách bắt, khống chế cá sấu từ cây sà mốp của người dân Kh’mer xưa hay dùng. Cụ kể thêm rằng loại cây này ruột thường hay bị bọng, tiết ra một chất dẻo, nếu ta dùng làm đuốc thắp sáng thì rất tiện.
Dulichgo
Hóa ra, nếu Rạch Gầm là nơi cá sấu ẩn náu quật ngã tàu bè, thì Xoài Mút là nơi sống của cây sà mốp - một vật dụng để khống chế cá sấu thật hữu hiệu. Thiên nhiên ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ biết bao.
Đứng nhìn mặt sông phẳng lặng, trí tôi như lãng đãng trở ngược về ký ức của những trận chiến oai hùng xưa của quân Tây Sơn. Bên chiếc cầu yên tĩnh hôm nay, một thoáng xôn xao trong tim khi tôi lẩm nhẩm lời cầu ước: Mong sao quê Việt mãi bình an như dòng sông quê hương, để cư dân sẽ luôn an lành tươi vui trong cuộc sống yêu thương và chia sẻ…
Theo Phước Thiên (Thanh Niên)
Du lịch, GO!
Dulichgo
Rạch Gầm-Xoài Mút là tên gọi một đoạn sông Tiền, giới hạn bởi 2 sông nhánh nhỏ là sông Rạch Gầm (phía thượng lưu) và sông Xoài Mút (phía hạ lưu). Đoạn sông này ngày nay nằm giữa địa phận thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (trước năm 1976 là tỉnh Mỹ Tho), Việt Nam. Tại đây, ngày 20 tháng 1 năm 1785, quân Tây Sơn do Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ chỉ huy đã đánh bại 2 vạn quân thủy bộ của Xiêm La qua can thiệp giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh, đồng thời đốt rụi 200 tháp thuyền to, chỉ còn sống sót được mấy nghìn quân trốn chạy về nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét