• Breaking News

    Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

    'Chết mê' với ốc ruốc tháng 3

    (TTO) - Những con ốc ruốc đủ màu sắc luộc xong lấy gai chanh lể ăn vừa beo béo, vừa ngọt lại vừa cay là món khoái khẩu của chị em phụ nữ. Vừa ăn chơi, vừa tán chuyện xua tan cái nóng đầu mùa…

    Bây giờ đang là mùa biển yên, những dân chài vùng biển ngang thuộc các xã Đức Phong, Đức Minh, huyện Mộ Đức hay Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi lại kéo nhau đi bắt ốc ruốc.

    Cứ khoảng 4h sáng, những dân chài khỏe khoắn kéo thuyền máy xuống biển rồi nổ máy ra khơi. Cách bờ chừng một vài hải lý, họ thả vợt cán làm bằng sắt dài khoảng 8 - 10m được neo buộc dưới thuyền để cào ốc dưới đáy biển.

    Khi thấy vợt nằng nặng, kéo vợt lên là có ốc. Ốc đổ vào bao để trong khoang rồi lại tiếp tục cào cho đến tầm 10h sáng. Khi mỗi thuyền được 3-5 tạ ốc là kéo nhau về.

    < Phương tiện cào ốc ruốc.

    Lúc này trên bãi biển, những người mẹ, người vợ đã chực sẵn. Thuyền vào bờ là bạn chài cùng nhau kéo lên bờ. Rồi các mẹ, các chị cùng những đàn ông trai tráng khiêng các bao ốc vô phía bãi bên trong để cân bán cho các tư thương.
    Dulichgo
    Dân chài ở đây cho rằng ốc ruốc là quà của biển khơi ban tặng cho dân chài vùng biển ngang nghèo khó. Bởi ở vùng biển này, dân chài thường không có điều kiện đóng tàu lớn vươn ra khơi xa, chỉ sắm những chiếc thuyền gắn máy Đông Phong vài chục sức ngựa để đánh bắt hải sản ven bờ.

    < Ngư dân chuyển ốc ruốc mới đánh bắt được từ biển lên bờ.

    Nếu như đánh bắt cá có hôm được hôm không thì đi cào bắt ốc ruốc dứt khoát là có ốc, chỉ là được ít hay nhiều. Chính vì vậy, vào mùa ốc ruốc, nhà nhà lại đi cào ốc chứ chẳng mấy ai đi đánh bắt cá.
    Dulichgo
    Ngày xưa, muốn bắt ốc, dân chài nơi đây thường chèo thuyền nan ra biển, đeo kính lặn và cầm một thanh sắt mỏng uốn cong, hít một hơi dài rồi lặn xuống lòng biển cào bắt ốc. Sau đó, người có điều kiện hơn mua bình hơi, đeo dây vào mũi rồi lặn xuống biển cào ốc.

    < Ốc ruốc bé như cái cúc áo nhưng thịt rất thơm ngon.

    Nhưng bây giờ cách đánh bắt đã được cải tiến rất nhiều nên việc cào ốc ruốc đỡ tốn sức và năng suất cũng cao hơn. Mỗi ghe sau một chuyến ra khơi cũng cào bắt được 3 - 5 tạ ốc ruốc.

    Ốc ruốc đánh bắt đem về rửa sạch để cho khỏi bị lẫn cát biển. Sau đó, bắc nồi nước bỏ mấy tép sả đập giập vào nồi, đun cho sôi rồi đổ ốc vào nấu. Cho thêm ít ớt tươi giã nhuyễn, một ít muối vào cho ruột ốc thêm đậm đà.

    Ốc luộc chừng vài chục phút là chín, đem đổ ra rổ cho rút nước là đã có món ốc ruốc để ăn hoặc bán.

    Muốn ăn ốc ruốc là phải có cây gai chanh dùng nó để lể ốc. Món ốc ruốc dân dã nhưng rất đỗi thân thiện với chị em phụ nữ. Bởi có món ốc mà chị em mới tụm năm tụm ba, vừa lể ốc vừa tha hồ tán chuyện.
    Dulichgo
    Ở vùng biển Đức Minh, Đức Chánh, Đức Phong, nhiều khu dân cư nằm bên bờ biển, dưới rừng dương xanh trùm bóng mát, gió biển thổi lồng lộng, các mẹ các chị còn mang một rổ ốc ruốc ra lể ăn chơi.

    < Những quầy bán ốc ruốc bên bờ Bắc cầu Trà Khúc (cũ), TP Quảng Ngãi.

    Chuyện ngày xưa, ngày nay, chuyện xóm, chuyện làng cứ thế mà tuôn chảy. Âu lể ốc ruốc cũng tạo nên nét riêng của chị em làng chài.

    Bây giờ, ốc ruốc biển Mộ Đức không chỉ bán ở nội tỉnh Quảng Ngãi mà còn theo các chuyến xe ra TP Đà Nẵng hoặc vào tận Sài Gòn.

    Theo Võ Qúy Cầu (Báo Tuổi Trẻ)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử