(BTO) - Từ Phan Thiết, theo con đường Thủ Khoa Huân thì sẽ đến đường 706 B. Xưa kia, ít người dám qua lại nơi đây ban đêm vì xung quanh là nghĩa trang với mấy nghìn ngôi mộ.
Nhưng bây giờ, một con đường đôi uốn lượn qua các sườn đồi đã thay thế nghĩa trang. Con đường này có mấy cái thú vị, đó là từ vị trí nào cũng thấy biển, hai bên đường là bạt ngàn hoa giấy và lộng lẫy hoa đậu Anh Đào vào đầu xuân. Dải phân cách hai con đường làm bằng các cây phi lao và đủ màu bông giấy.
Chỉ qua Phan Thiết chừng 6km là sẽ thấy cổng Trường đại học Phan Thiết, trường đại học đầu tiên của Bình Thuận và là ngôi trường có cảnh quan đẹp bậc nhất Việt Nam.
Kề nó là lâu đài rượu vang. Đây là nơi chế biến, trưng bày và bán các loại rượu vang của công ty Rạng Đông. Nhiều người thích ghé thăm vì cảnh quan tươi đẹp với những giàn nho xanh mướt, kỳ hoa dị thảo và những hòn non bộ lạ mắt. Tham quan lâu đài này còn là dịp để cảm nhận cái lạnh rất hiếm có dưới các hầm rượu. Bạn tôi đã uống thử và quay lại mua rất nhiều rượu vang nơi đây dù ông là Việt Kiều Úc và rất sành về rượu.
Cuối con đường đầy hoa này là ngã ba từ Mũi Né nhập vào, Phan Thiết ra và hướng đi Bắc Bình. Ngay ngã ba, một khoảng trời mênh mông cát là điểm đến để du khách dừng chân chơi trượt cát hay chụp hình. Những tấm hình nơi đây bao giờ cũng tôn vinh vẻ phóng khoáng, lạc quan của con người và cũng tôn vinh nhiều nhiếp ảnh gia khi họ ghi lại những khoảnh khắc hiếm có của nó.
Dưới chân đồi cát là một khu du lịch mới của Bình Thuận với tên gọi là Bồng Lai Mũi Né. Xưa kia, tên của nó là Suối Tre vì chi chít cây tre gai mọc ở đây. Chúng cao lớn và dày đến nỗi khi đi vào khu rừng này thì bỏ hết nón mũ ra vẫn mát lạnh. Bồng Lai nằm trong dự án khu bảo vệ động vật bán hoang dã của công ty Rạng Đông. Công ty này đã trồng rất nhiều bông giấy, vì vậy, núi rừng chỗ nào cũng rực rỡ. Nhưng rực rỡ hơn cả là bốn hẻm núi cát. Cát đỏ như son, đỏ đến khó tin. Mưa xẻ cát thành những hẻm quanh co đi lọt một bàn chân, gió gọt cát thành những thành quách với hàng trăm mái lô nhô, thời gian cuốn đi những hạt cát yếu đuối, giữ lại những hạt mạnh mẽ và gắn kết chúng lại thành những bức tranh kỳ thú...
Ngoài cát, nơi đây còn có nhiều tiểu cảnh đẹp do bàn tay con người tạo ra từ cát và cây của khu vực này. Công ty Rạng Đông đã rất thành công khi bảo vệ được một khu rừng xưa kia chỉ toàn cây bụi. Hôm nay, đi trong Bồng Lai, có thể thấy từng đàn giông chạy quanh bạn. Giông là loại bò sát rất nhát người và do có thịt thơm ngon nên đang dần khan hiếm trên thị trường. Giữ cho giông một môi trường sống an toàn vừa là góp phần bảo tồn loài này vừa đem lại niềm vui cho du khách. Quanh co trong Bồng Lai Tiên Cảnh chùng 30 phút là đến nơi tưởng thưởng: Đồi Vọng Cảnh. Một quán cà phê trên đỉnh núi, trước mặt là biển Đông yên bình xanh nao lòng, sau lưng là núi cát đỏ thẫm. Hoa lá, cỏ cây, những chiếc ghế gỗ, các bức tượng cát, ly cà phê thơm...thời gian sẽ ngừng lại ở nơi này.
Việc giữ lại, tôn tạo thành công Suối Tre thành khu du lịch Bồng Lai đem lại cho Bình Thuận thêm một sản phẩm du lịch nữa và cũng biến một nơi lô xô cây gai, bụi rậm thành nơi…hái ra tiền.
Bồng Lai nằm ở vịnh kín gió, bãi cạn rất lý tưởng cho việc tắm biển, dân gian vẫn gọi nơi này là Hòn Rơm. Cái tên vang danh trong và ngoài nước này xuất phát từ một ngọn đồi thấp. Hàng năm, mùa hè, mấy tháng không một giọt mưa, vào lúc trời khô, cỏ trên đồi đồng loạt vàng rực. Buổi chiều, khi ánh nắng vùng duyên hải rọi xuống, tất cả đều bừng lên như một đụn rơm khổng lồ ngập màu no ấm. Du lịch Hòn Rơm được bắt đầu do một bác sĩ, bà Năm. Gia đình ở vùng này từ lâu đời, bà Năm đã dọn một bãi biển đẹp, dựng mấy cái chòi lá, chặt chục quầy dừa xiêm bán…
“Tuổi thơ” của khu du lịch dã ngoại nổi tiếng này là vậy. Khi xưa, muốn đến Hòn Rơm phải đi thuê xe mui trần, du khách gọi là xe vùng vịnh và cứ men theo nước biển mà đi, nước rút đến đâu, xe chạy vào đó. Sau này Tỉnh làm con đường nhựa đi qua đây, chấm dứt một nét độc đáo của Hòn Rơm.
Con đường qua Hòn Rơm cứ được nối dài ra mãi, và bây giờ là đến Bắc Bình, Tuy Phong.
Bắc Bình là nơi có nhiều người Chăm sinh sống nhất. Một thời, vua Chăm, công chúa Chăm ở đây. Chúng tôi đã nhiều lần đến nhà bà Thềm- công chúa Chăm cuối cùng- để chiêm ngưỡng những báu vật tinh tế từ bàn tay người Chăm. Đây cũng là vùng trồng dưa lấy hạt lớn nhất Bình Thuận. Mùa dưa chín, đi qua đây, chỉ thấy dưa nằm lăn lóc trên cát, như những bầy lợn con béo tròn. Người dân hái dưa chất thành đống cao như núi và bắt đầu đạp dưa lấy hạt. Hạt dưa vùng cát vừa chắc vừa béo, bán rất được giá mà công chăm sóc thì ít nên đây là một nghề người dân theo đuổi nhiều năm nay.
Bắc Bình có nhiều đồi cát, mùa khô vàng màu cỏ cháy, mùa mưa lại xanh mơn mởn, mùa nào cũng rộng rãi, thoáng đãng, không cái gì chặn ánh nhìn của du khách. Đến Bắc Bình, ghé quán Nùng Cảnh ăn một bữa hải sản là lựa chọn sáng suốt nhất. Quán này nằm ngay trên bãi cát, có lẽ mực cũng vừa vớt từ biển lên nên tươi đến độ trong vắt. Quán bán một món duy nhất: Mực nhúng dấm, vậy mà đông nườm nượp. Bí quyết làm nước nhúng không ai biết nhưng đã ăn một lần, chắc chắn sẽ loan truyền bạn bè. Giá cả món này rất phù hợp, 350 ngàn đồng cho một kg mực đã chế biến, bao gồm tất cả các loại kèm theo như rau, bánh tráng, bún…
Đường đến Tuy Phong sẽ đi qua một đảo bé tí, gọi là Hòn Nghề. Khi nước rút có thể lội qua đảo chơi và xem những cụm san hô be bé, nhưng nhớ canh nước kẻo về không được.
Đến Bắc Bình không thể không ghé Bàu Trắng. Một bàu nước ngọt ngay sát biển rộng đến 74 ha là vé số độc đắc của cư dân vùng này. Ăn uống, tắm giặt, tưới tiêu…đều nhờ vào nó. Chính vì quý hiếm như vậy nên trong chiến tranh đây là vùng tranh chấp gay gắt nhất. Ban đêm, bộ đội lấy nilon lót vào ba lô và ra hồ lấy nước, địch thì canh để chặn con đường này. Những khi thiếu nước, bộ đội vùng này chỉ có cách tắm lửa (Đốt lửa hơ cho chảy mồ hôi rồi lau sạch) hoặc tắm rung cây (Đứng dưới cây rung cho sương rơi xuống ướt người). Rất nhiều chiến sĩ hy sinh nơi đây, trong đó có anh Nguyễn Văn Đại, anh trai nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch hội nhà văn Việt Nam, và Hữu Thỉnh đã viết bài Phan Thiết có anh tôi, bài thơ được coi là hay nhất của ông, ở đây.
“Gió nồng nàn hơi nước,
Biển như một con tàu sắp sửa kéo còi đi!
Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya,
Những người lính mở đường đi lấy nước.
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi,
Biển ùa ra xoắn lấy mọi người.
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở,
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ.
Mất chỉ còn cách nước một vài gang”
Phan Thiết có anh tôi - Hữu Thỉnh
Giờ, đến Bàu Trắng là đến một sa mạc chói lòa ánh sáng, đến những ngọn đồi cát thay đổi theo gió, chưa bao giờ giống lại chính mình. Bàu Trắng còn đẹp do những triền cỏ xanh và hồ sen bên dưới. Những ai có máu mạo hiểm sẽ tham gia chinh phục các đỉnh đồi bằng xe mui trần hoặc mô tô phân khối lớn. Cái đẹp của Bàu Trắng có lẽ là đặc trưng của Bình Thuận khi mà trong một diện tích khá nhỏ có thể thu vào tầm mắt lại vừa có cái dữ dội của cát trắng bay ràn rạt, vừa có hồ nước ngọt xanh thẳm, vừa có biển bao la nối đến chân trời.
Qua Tết, khi trời đất đang dùng dằng chia tay mùa xuân để chạm vào mùa hạ, tham gia một cung phượt để cảm nhận hết cái đẹp của quê hương chắc sẽ làm bạn thêm yêu đời.
Theo Kim Oanh (Báo Bình Thuận), ảnh internet
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét