• Breaking News

    Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

    Mùa vàng khô cá vùng biên giới Tây Nam

    (NSO) - Cá sủ, cá trèn, cá khoai, cá chạch... được xẻ thịt ướp muối rồi bày lên những tấm vỉ tre phơi nắng.

    Hằng năm, cứ từ những ngày đầu tháng 6 âm lịch kéo dài cho qua Tết năm sau, khi những con lũ kéo dòng nước đỏ ngầu đầy phù sa nuốt chửng từng thửa ruộng, cánh đồng cũng là lúc cá từng đàn từ biển hồ về xanh dòng nước.

    Người nông dân vùng biên giới Tây Nam khi ấy lại kéo con trâu cái cày về bên đống rơm khô ngơi nghỉ, rồi lôi chài khoác lưới lên vai để bước vào mùa thu hoạch mới. An Phú (An Giang) cũng không nằm ngoài quy luật.

    An Phú là một huyện cù lao thuộc tỉnh An Giang, nơi giáp ranh biên giới Campuchia, đây cũng nơi đầu nguồn sông Mê Kông đổ vào Việt Nam làm nên chín nhánh phù sa mang dáng rồng uyển chuyển. Không biết vì đâu có tên gọi An Phú, nhưng có lẽ chỉ một lần đến thăm thôi cũng đủ để du khách cảm nhận được sự trù phú đầy bình an từ mảnh đất cồn bốn bề sóng vỗ này.
    Dulichgo
    Cá ở An Phú là đa dạng và nhiều nhất đồng bằng miền Tây. Cá ăn không hết nên người ta bán, bán tươi không kịp lại làm khô chờ dịp khác bán, vì vậy xứ này có thể xem như thủ phủ của khô cá nước ngọt. Ngoài các loại khô cá lóc, cá sặc rằn thông thường, còn có cá tra phồng xuất khẩu rất được ưa chuộng.

    Nhưng để gọi sành ăn và khéo chọn phải kể đến các loại khô như khô cá sủ, cá trèn, cá kết, cá khoai, cá chạch... Các loại này thường ít được bày bán, chỉ có người biết mua tặng riêng người biết ăn mới hoạ hoằn có được.

    Hằng năm dân thập phương đến Châu Đốc hành hương kết hợp du lịch nhiều vô kể, nhưng đến rồi về mà không biết xài tiền ở chỗ nào. Họ đi vòng chợ Núi Sam rồi ghé ngang chợ Châu Đốc, khô mắm bày đầy la liệt bắt mắt, bắt mùi... mà ai cũng e dè khi mua sắm, vì giá cả như ma trận và chất lượng phập phù như con nước ngã ba sông.

    Cái khó, cái khổ của dân mãi nằm chỗ khôn lỏi, ăn xổi ở thì. Quen cái nết nghĩ chặt chém ai được bữa nào là hên bữa đó, mà không nghĩ có ngày họ quay lại và cạch mặt suốt đời.
    Dulichgo
    Cấp quản lý thì quan tâm lượng khách đến nhiều hay ít chứ chưa quan tâm trung bình họ đã tiêu bao nhiêu tiền cho chuyến đi này. Thành ra người đến đông cũng chỉ góp phần cho chuyện kẹt phà, kẹt xe chứ chẳng tăng thêm tý GDP nào cho ngân sách.

    Ngày đầu năm về lại An Giang, nhâm nhi món khô cá lưỡi trâu do vị phó chủ tịch xã sành ăn mở kho đãi bạn, hơn chục năm mới được ăn lại, mới thấy sự tinh tế trong ẩm thực của quê hương mình. Miếng khô mỏng như bánh tráng phơi sương, giòn như bánh đa xứ Bắc, thơm như dầu gội cô Ba mà lại ngọt như mía lao đem nướng.
    Dulichgo
    Chợt nhớ ngày xưa, ngày ngoại còn chưa già lắm, mỗi sáng bà ngồi tẩm ướp, rồi quấn từng miếng tròn như cái rổ, phơi chừng hai đợt nắng to, cho vào cái bọc nilon cất, chờ tối trời mưa, đem nướng ăn chơi nghe giòn tan trong miệng. Thèm cái sản vật quê, nhớ bàn tay ngoại nấu, chỉ mong một ngày có những thương hiệu quê hương tươm tất, để tặng bạn thân cho đỡ áy náy với quê hiền.

    Theo Hà Quốc Anh (Ngôi Sao)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử