• Breaking News

    Thứ Hai, 20 tháng 3, 2017

    Ngày khác ở Tưr...

    (BQN) - Men rượu cần dịu ngọt mềm môi, những hân hoan đong đầy trong vũ điệu tâng tung da dá nhịp nhàng thiếu nữ, trong ánh mắt của các già làng. Bên gươl, dân làng rộn ràng với lễ ăn trâu, hát về ngày ấm no đang về trên làng mới từng ngày...

    Ấm lửa gươl làng

    Hơn 20 cây số từ trung tâm hành chính huyện Tây Giang, chúng tôi ngược vào xã Dang, theo lời mời dự lễ khánh thành gươl mới của dân làng Tưr. Nắng chảy tràn trên con đường đất dẫn vào trung tâm xã, vàng rực theo màu lúa mới dọc các sườn đồi. Phía làng, những amế (mẹ), ađhi (em) xúng xính trong váy áo thổ cẩm, hối hả đi về sân gươl, nơi sẽ diễn ra lễ ăn trâu mừng làng mới. Hội làng, ở vùng cao, vẫn luôn rộn ràng như thế.

    Trống k’thu giòn giã. Từng nhịp chiêng ngân theo bước nhảy khỏe khoắn của trai làng. Theo sau, là nhịp nhàng đôi chân trần của thiếu nữ. Chúng tôi, đã đến và say trong rất nhiều những hội làng như ở Tưr hôm nay, nhưng vẫn không dứt được ánh nhìn ra khỏi những đôi gót chân trong vũ điệu truyền thống ấy. Không gian ngập tràn vũ điệu, âm nhạc, và niềm vui. Hôm nay, bà con làng Tưr về làng mới.

    Về làng. Là bếp lửa gươl bừng sáng, đón khách với rượu cần, cơm lam, sản vật. Dựng gươl, đỏ lửa bếp, là hình thức xác lập làng truyền thống và trang trọng nhất của người Cơ Tu, như dựng lên trụ linh hồn vững chãi chở che cho làng. Những người khách đến gươl mới được đối đãi chân tình, niềm nở, như những chứng nhân cho dấu mốc mới trong lịch sử những ngôi làng. Chúng tôi được mời vào gươl, ngồi với những vị có uy tín nhất trong làng. Bao giờ cũng vậy, những món ngon nhất, những ché rượu tốt nhất, được dành đem vào gươl đãi khách. Câu hát lý ngân dài theo đêm, kể về những gian khó ngày cũ, về tấm lòng chân tình mến khách của người làng, về ước vọng những ngày sau bếp luôn đỏ lửa, củi chất đầy nhà, thóc lúa đầy kho… Khách say theo lời hát, theo men rượu cần ngọt dịu, theo ánh lửa bếp ở gươl bập bùng chờ sáng mai khai hội ăn trâu.
    Dulichgo
    Tiếng trống k’thu đánh thức chúng tôi vào buổi sớm. Sương còn giăng trên khắp sườn đồi, lũ làng đã tề tựu ngay sân gươl. Vẫn là những bộ thổ cẩm xoay tròn cùng vũ điệu dâng trời, những ánh mắt lấp lánh niềm háo hức, nhưng tiếng trống và những bước chân chừng rộn rã hơn ngày hôm trước. Già làng Hốih Bói bước ra khỏi đám đông, tiến đến con trâu và lấy một ít máu nơi đầu mũi trâu, để cúng. Thanh niên trong làng, sau đó, quây lấy con trâu, mổ thịt, rồi giao cho “g’mơrây” - một đội hậu cần được phân công từ đêm trước có nhiệm vụ chế biến món ăn mời khách. Không một nhát đâm nào được thực hiện. Lúc này, chúng tôi mới hiểu lời mời của các già làng đêm trước, khi gọi là lễ “ăn trâu”. “Ăn trâu”, sát nghĩa, không còn là lễ đâm trâu như trước đây nữa.

    Chủ trương “không đâm trâu” được bà con chấp thuận ngay trong một lễ hội mang tính nội bộ của làng - một trong những địa bàn cách trở ở Tây Giang - không khỏi làm chúng tôi ngạc nhiên. Có chút gì đó tiếc nhớ những hình ảnh của các vị già làng khỏe khắn, mạnh mẽ với cây giáo dài trên tay trong những lễ hội. Nhưng, cách các thanh niên quây lấy con trâu và sau đó giết thịt, không máu me, không ám ảnh, chừng như gợi lên nhiều hơn những cảm tình trong lòng khách đến dự hội. Còn với chúng tôi – những đứa con của làng trở về sau mấy bận bôn ba - là sự ngỡ ngàng thích thú. Già làng Hốih Bói nói, chuyện không đâm trâu, đã được dân làng thống nhất trong cuộc họp từ nhiều hôm trước. Đó là chủ trương của huyện, là một thay đổi cần thiết khi càng ngày càng có nhiều hơn những du khách tìm về với lễ hội truyền thống của Tây Giang. “Bỏ đâm trâu, vì bà con thấy chủ trương của huyện là đúng, là cần thiết. Không còn đâm trâu, nhưng vẫn cùng ăn, cùng hát múa, cùng sống với nhau như một nhà” - già Hốih Bói nói.

    Màu xanh trên cánh đồng K’tang

    Tưr vốn là ngôi làng nằm nép mình bên suối Ch’ring, biệt lập với điện, với đường, trường, trạm. Nhiều thế hệ người làng Tưr lớn lên trong gian khó, trong thiếu thốn triền miên về lương thực, thuốc men, về cái chữ. Làng trước có tên gọi là Lơ Tiah, phần lớn là hộ nghèo, sống nhờ cây lúa nhọc nhằn mọc trên từng dốc rẫy. Hủ tục vây lấy Tưr, khiến nghèo khó thêm dai dẳng. “Dấu chấm lặng” mang tên Tưr ấy trở thành một trong nhiều trăn trở của chính quyền xã Dang. Từ thực tế, chủ trương quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, gắn với phát triển sản xuất được đưa vào triển khai ở Tưr. Dân làng được san ủi mặt bằng, hỗ trợ di dời về nơi ở mới, nằm sát đường ô tô từ trung tâm xã nối với xã Arooih (huyện Đông Giang). Khi tuyến đường bê tông liên thôn được hoàn thành, Tưr như rũ bỏ khỏi chật hẹp tối tăm nơi làng cũ, vươn mình thành khu dân cư khang trang, kiên cố.
    Dulichgo
    Ông Hốih Gror - Trưởng thôn Tưr cho hay, từ  một trong những vùng khó khăn nhất của xã, đến nay thôn đã có điện lưới quốc gia, đường giao thông, nhiều hộ dân dựng nhà kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng. “Từ Nghị quyết 14 của Huyện ủy, thôn Tưr được tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đến nay, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, là tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh, của huyện. Đặc biệt, hủ tục cúng bái, mê tín dị đoan đã bị dân làng bỏ lại bên ngoài con suối của làng. Người làng Tưr cũng hạn chế được việc đâm trâu, giết bò khi cưới vợ, gả chồng, tảo hôn, thách cưới” - ông Gror cho hay.

    Làng Tưr hôm nay, những nóc nhà mới quây quần lấy gươl làng, đẹp như một đóa hoa trang bung nở giữa màu xanh của đại ngàn. Đêm đến, ánh điện sáng bừng khắp một góc đồi. Nhiều thế hệ con em của làng được đi học, nay trở về làng góp sức xây dựng quê hương. Trưởng trạm Y tế xã Dang - bác sĩ Alăng Boom - là thanh niên đầu tiên của Tưr và của xã Dang có bằng đại học. Gặp nhau tại hội làng, Boom chia sẻ với chúng tôi, rằng anh muốn quay về đây, sống và dùng kiến thức của mình giúp đỡ bà con, như một cách báo đáp quê hương mình. Sau anh, thôn Tưr còn 6 bạn trẻ khác vẫn đang miệt mài dưới giảng đường đại học, vượt qua gian khó với ước mơ vẽ tiếp gam màu tươi sáng cho Tưr, mai này…
    Dulichgo
    Chúng tôi theo chân người làng Tưr ra cánh đồng K’tang. Cánh đồng này, là sức trẻ của thanh niên Tây Giang cùng đồng bào thôn Tưr khai hoang, đang vào mùa gieo sạ. Hơn 4ha ruộng bậc thang trải dài bên suối K’tang, cùng diện tích lúa nước, lúa rẫy đang ngày càng được mở rộng, sẽ giúp giải bài toán thoát nghèo cho nhiều hộ ở Tưr. Chủ tịch UBND xã Dang - ông Nguyễn Thanh Tâm - chia sẻ, nhờ đẩy mạnh diện tích trồng lúa nước, lúa rẫy, phát triển cao su, keo lai, đời sống người dân thôn Tưr ngày càng khởi sắc. “Diện tích lúa nước, lúa rẫy của làng Tưr bây giờ đã là gần 25ha, chưa kể các mô hình chăn nuôi, trồng cây sâm ba kích, keo lai…

    Sáu nhóm hộ trong làng cũng được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng và hưởng nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Làng còn có 52ha diện tích cây cao su đang chăm sóc, góp phần ổn định đời sống của bà con. Nơi này, dù chỉ có rừng, có đất, nhưng màu xanh của cây trồng hứa hẹn sẽ không phụ mồ hôi, công sức của bà con đổ xuống” - ông Tâm nói.
    Dulichgo
    Mái lá gươl sừng sững vươn cao giữa làng Tưr, như một cánh buồm vững chãi. Đó là thành quả của gần 5 tháng ròng, với hơn 2.000 ngày công lao động của người làng Tưr. Từ đỉnh đồi, chúng tôi nhìn xuống làng Tưr, lô nhô nóc nhà bao quanh mái gươl như một vòng tròn bảo bọc, ân cần, mà nghĩ đến những ngày khác, những ngày mới yên bình đang đến với ngôi làng nhỏ giữa trập trùng gió núi này. Một làng Tưr tươi sáng…

    Theo Phương Giang, Đăng Nguyên (Báo Quảng Nam)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử