(FDV) - Được ví như Đà Lạt, Bà Nà hay Sapa ở miền Trung, đến với Tây Giang- huyện miền núi tỉnh Quảng Nam nằm trên đỉnh Trường Sơn huyền thoại, nơi mà sương mù, mây núi, khói bếp và hơi thở của con người hòa quyện vào nhau tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo đến mê hoặc lòng người.
Cách Đà Nẵng 120km về phía Tây, cung đường lên Tây Giang đẹp nhưng khá cam go, thách thức sự dũng cảm của những tay phượt khi qua những con dốc cao, quanh co với những cái tên ấn tượng như dốc Khom Lưng, Mẹ Ơi…
Có lẽ đó là lý do được nhiều bạn trẻ Quảng Nam và Đà Nẵng chọn là nơi để thử thách, chinh phục và khám phá.
Không khí trong lành nơi đây du khách có thể nghe được những tiếng chim hót, những âm thanh róc rách từ các con suối chảy hai bên đường và những đóa hoa rừng đủ màu sắc đua nhau nở rộ, chào mời du khách đến với một vùng đất hứa của tỉnh Quảng Nam.
Từ tháng 10 đến tháng 2, khi khí trời lành lạnh, mây cũng vì thế mà tụ về, cứ quanh quẩn bên núi mãi không tan, thời điểm đó là vô cùng hoàn hảo cho việc ngắm mây của du khách. Nơi bạn không thể bỏ qua trên hành trình “săn mây” của mình là đỉnh Quế.
Dulichgo
Nằm ở độ cao hơn 1.300 m so với mặt nước biển, đỉnh Quế (thôn Voòng, xã Tr’hy, huyện Tây Giang) được coi là ngọn núi đẹp nhất tỉnh Quảng Nam bởi quanh năm sương mù bao phủ trắng xóa. Gọi là đỉnh Quế vì trước kia, nơi đây toàn là rừng rậm nguyên sinh, riêng một ngọn đồi toàn cây quế.
Đỉnh Quế cao chót vót, gió thổi lồng lộng, nền trời xanh ngắt một màu, mây trắng bồng bềnh ôm ấp núi, trên đỉnh đồi cao chút nắng rong chơi còn sót lại dần biến mất. Cả không gian chìm ngập trong biển mây, khung cảnh đẹp đến mê hồn, phút chốc ngẩn ngơ.
Dulichgo
Khi màn đêm buông xuống, hạ trại và nhóm ánh lửa, bên ánh lửa bập bùng, xua tan cái lạnh thấu xương mặc cho những cơn gió vẫn rít gào xung quanh, tiếng ma quái của núi rừng.
Để rồi sáng sớm hôm sau chỉ cần mở mắt là bạn đã có thể chạm vào giấc mơ mây. Đứng ở đỉnh Quế, có lẽ chưa bao giờ bạn cảm thấy mây và trời gần đến thế, như chỉ cần với tay là có thể chạm được mây. Đừng quên thưởng thức đặc sản: gà nướng ống, cơm lam, mật ong rừng và uống rượu Đẳng Sâm ở đây nhé!
Tiếp tục rong ruổi trên những cung đường quanh co ta sẽ được chiêm ngưỡng nét hoang sơ của những bản làng sạch đẹp giữa lưng chừng núi, khung cảnh thơ mộng mở ra khi du khách mỗi lúc một lên cao đi về miền biên giới Việt – Lào nơi có “cổng trời” Azứt đẹp mơ màng với những hang động kì bí.
Cổng trời theo cách gọi của người dân tại thôn Kà Đâu, xã Kà Dăng, huyện Đông Giang. Nơi đây bao gồm 1 vòm núi đá vôi khổng lồ nối 2 đỉnh đồi tạo thành cái vòm hay cái cổng.
Dulichgo
Từ cổng trời đi bộ vào bên trong khoảng 30 phút có một hang động gồm nhiều bộng hang lớn nhỏ do những dòng nước chảy hàng ngàn năm tạo thành với nhiều nhũ hoa đẹp mắt, và nơi đây cũng có rất nhiều gềnh thác, suối mát… thu hút rất nhiều phượt thủ đến khám phá.
Khám phá cổng trời thì nên thử cảm giác “ăn rừng ở bụi” rất thú vị đấy. Dưới những con suối gần cổng trời có rất nhiều cá, tôm bạn có thể bắt và nướng ngay tại chỗ là đã có một bữa ăn “rừng núi” ngon lành cành đào. Một trải nghiệm mới lạ đáng để thử đúng không nào!
Hang được chia thành nhiều tầng và nhiều phòng, địa chất trong hang rất đa dạng và khó thể tả được cảnh đẹp trong ở trong này, những cột thạch nhũ cứng rắn, những khối thành nhũ óng ánh sáng lóng lánh tưởng chừng như chỉ có trong phim, những khối thạch nhũ tạo thành những cây đàn, khi vuốt tay ra tạo ra âm thanh rất thanh và bay bổng.
Đến đây, du khách có thể thu gọn trong tầm mắt cả một vùng không gian rộng lớn như trung tâm hành chính huyện, các dãy núi xanh ngắt trùng điệp chạy ngút tầm mắt, các thôn, Gươl của đồng bào C’tu thấp thoáng, ẩn hiện dưới những tán rừng già.
Dulichgo
Có lẽ, dân “phượt” sẽ cảm thấy thích thú khi được chinh phục những con dốc ngất ngưỡng trời xanh, những con đèo ngoằn ngoèo trên vực thẳm hay những cây cầu treo lát gỗ lắt lư mà đứng giữa cầu nhìn xuống thác ghềnh với cảm giác lâng lâng của người chinh phục.
Lên Tây Giang, vào các thôn, Gươl của đồng bào C’tu, du khách có cơ hội được tham gia lửa trại của đồng bào, ấm long bởi sự hiếu khách, mộc mạc, chân thành của người dân nơi đây.
Rồi du khách lại chếnh choáng hơi men rượu bakich, tr’đin hoặc rượu cần, rượu sắn. Tất cả hòa quyện tạo thành một bản sắc riêng của đất, của trời, của con người nơi đại ngàn Trường sơn hùng vĩ.
Ở Tây Giang, du khách không những được nghe âm thanh cồng chiêng, uống rượu cần bên bếp lửa mà còn được xem những ngôi nhà mồ, những khu làng mới được tái định cư theo mô típ làng truyền thống. Trong cách nghĩ của người C’tu có hai thứ cần làm cho đồ sộ, cho đẹp, hoàn mỹ, đó là Gươl và nhà Mồ.
Dulichgo
Tây Giang tuy là huyện núi xa xôi, hẻo lánh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đến rồi ta mới cảm nhận hết cái chân tình, nồng hậu của con người vùng biên.
Chặng đường đi Tây Giang đèo núi gập nghềnh, uốn lượn nhưng phong cảnh non nước hữu tình mờ ảo trong lớp sương trắng xóa, nét đẹp vừa hoang sơ vừa mộc mạc vừa thanh bình ấy như một nguồn động lực thôi thúc những tâm hồn yêu cái đẹp, thích rong ruổi khám phá vùng đất mới xách ba lô lên và đi.
Hay đơn giản chỉ đến và trải nghiệm hương vị của chén rượu mềm môi bên ánh lửa giữa làng giữa cái se lạnh về đêm của Tây Giang. Còn chần chờ gì nữa, hãy đi và cảm nhận ngay thôi!
Theo Tít Trần (Foody.vn)
Du lịch, GO!
Thông tin về Tây Giang có rất nhiều trong Dulichgo, bạn có thể dùng công cụ search.
Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017
hướng dẫn du lịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét