(LĐO) - Cầu Bình Lợi 2, Bình Điền hay cầu Ghềnh là những cây cầu quan trọng nằm trên các tuyến đường huyết mạch của Sài Gòn nối liền với các tỉnh lân cận.
1. Cầu Bình Lợi 2
Cầu Bình Lợi 2 nằm trên tuyến đường huyết mạch của thành phố Hồ Chí Minh là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Trục đường này đi qua 4 quận: Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc và đẩy nhanh quá trình phát triển của thành phố.
Cầu bắc qua sông Sài Gòn với chiều dài 1,1km và 6 làn xe mỗi chiều. Hạng mục vòm Nielsen của cầu là một trong những cấu trúc có kỹ thuật tiên tiến nhất trong các công trình cầu hiện nay. Với vị trí đặc biệt, cầu Bình Lợi 2 mang ý nghĩa lớn trong việc kết nối giao thương một cách thông suốt giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương…
2. Cầu Bình Điền
Dulichgo
Cầu Bình Điền bắc qua sông Chợ Đệm - Bến Lức, nằm trên quốc lộ 1A, thuộc địa phận huyện Bình Chánh, cách thành phố Hồ Chí Minh 14km. Cầu Bình Điền 1 dài 177,3m, rộng 12,5m, được hoàn thành sau 6 tháng thi công. Tiếp đó, cầu Bình Điền 2 có quy mô tương tự được xây dựng ngay tại vị trí cầu cũ bị sập để thành một cây cầu hoàn chỉnh rộng 25m.
Cụm 2 cầu Bình Điền 1 và 2 có vai trò quan trọng vì được coi là cửa ngõ phía Tây Nam của TPHCM, trục giao thông nối trực tiếp các tỉnh miền Tây Nam Bộ với nội ô thành phố thông qua khu vực Long An. Hàng ngày có cả vạn lượt xe chở nông sản đi qua hai cầu này. Quá trình xây cầu Bình Điền còn là một câu chuyện sinh động về tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Nhật.
3. Cầu Phú Long
Cầu Phú Long bắt đầu thông xe từ tháng 2.2012. Cây cầu này bắc qua sông Sài Gòn, nối đường Hà Huy Giáp, quận 12, TPHCM với quốc lộ 13, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Dulichgo
Cầu Phú Long dài gần 1,5km, rộng 26m, có tổng vốn đầu tư là 898 tỉ đồng. Nhờ có cầu Phú Long mà khoảng cách giữa Bình Dương và TPHCM được rút ngắn, đồng thời giảm bớt lưu lượng xe lưu thông trên Quốc lộ 13 và Quốc lộ 1.
4. Cầu Bến Súc
Nằm cuối tỉnh lộ 15, cầu Bến Súc bắc qua sông Sài Gòn, nối liền THCM (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi) với tỉnh Bình Dương (xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng). Cầu Bến Súc dài 262m, rộng 10m, có tải trọng khoảng 30 tấn, với tổng kinh phí 20,4 tỉ đồng, hoàn thành sau 12 tháng thi công.
Dulichgo
Cầu Bến Súc rút ngắn hơn 10km cho hành trình từ TPHCM đi các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh.
5. Cầu Ghềnh
Cầu Ghềnh do Pháp xây dựng vào năm 1902, dài 223m bắc qua sông Đồng Nai dẫn vào Cù Lao Phố. Cầu được xây bằng thép theo kiến trúc Gothic độc đáo do hãng Eiffel của Pháp thiết kế. Không chỉ có giá trị về kiến trúc, cầu Ghềnh còn có vai trò quan trọng trong giao thông. Trên cầu, ngoài tuyến đường bộ và đường dành cho xe cơ giới còn có tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Trong số nhiều tuyến xe lửa có tuyến Sài Gòn - Biên Hòa dài 71km, Sài Gòn - Xuân Lộc dài 81km hoạt động từ năm 1904, tuyến Sài Gòn - Nha Trang dài 408km hoạt động từ năm 1913. Với lịch sử hơn 100 năm, cầu Ghềnh là huyết mạch giao thông đường bộ của tuyến quốc lộ 1, bên cạnh đó còn tạo nên một hình ảnh rất riêng cho Biên Hòa, Đồng Nai.
Theo Văn Hào (Lao Động)
Du lịch, GO!
Chủ Nhật, 16 tháng 4, 2017
Xã xì trét
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét