(SMO) - Nếu là người thích tìm hiểu lịch sử văn hóa dân tộc kết hợp dã ngoại vào dịp cuối tuần, thì không nên bỏ qua tour du lịch Cổ Loa, nơi phát tích huyền thoại Nỏ thần và mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Thú vị hơn nữa khi thực hiện city tour này bằng xe buýt, du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội vùng ven đô.
Khu di tích Cổ Loa cách Trung tâm Hà Nội 15 km. Để đến khu di tích này, du khách có thể đi nhiều tuyến buýt khác nhau với giá vé từ 7.000 đồng/lượt, tùy thuộc vào điểm xuất phát. Nếu du khách ở khu vực Phố Cổ thì có thể vi vu trên tuyến buýt 15, 17 từ bến xe Long Biên. Để không bị lỡ bến, cách tốt nhất là khi lên xe, du khách nên nhờ phụ xe thông báo khi xe buýt đến điểm đỗ cần xuống.
Ở gần ga Hà Nội, Công viên Thống Nhất có thể bắt tuyến buýt 43. Ở khu Như Quỳnh, Đại học Nông Nghiệp có thể lên tuyến buýt 59. Trong trường hợp du khách đang ở gần khu vực Mỹ Đình, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, thì có thể lên tuyến buýt 46 với điểm cuối là Cổ Loa. Từ điểm đỗ xe buýt, du khách có thể tản bộ trên con đường làng quanh co, uốn lượn để tìm hiểu về di tích lịch sử văn hóa đã hơn 2.000 năm tuổi.
Theo những ghi chép trong chính sử Việt Nam, Cổ Loa (Loa Thành) là di tích kinh thành của nước Âu Lạc từ thế kỷ 3 TCN. Nơi đóng đô của Ngô Quyền thế kỷ X sau khi Đại phá quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Vào thời Âu Lạc, Cổ Loa nằm ở đỉnh tam giác châu thổ Sông Hồng, đầu mối giao thương quan trọng cả về đường bộ lẫn đường thủy. Vì thế, Cổ Loa đã được An Dương Vương chọn làm kinh đô. Thành Cổ Loa toại lạc trên khu vực đồi cao nằm ở tả ngạn sông Hoàng - một nhánh lớn của sông Hồng, nối liền với sông Cầu. Do bị phù sa bồi đắp, nên hiện tại chỉ còn là con lạch nhỏ.
Dulichgo
Thành Cổ Loa được đánh giá là “tòa thành cổ nhất, quy mô lớn bậc nhất và cấu trúc thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử xây dựng thành lũy của người Việt cổ. Tương truyền: Thành Cổ Loa có 9 vòng thành xoáy trôn ốc. Tuy nhiên, theo di chỉ khảo cổ được khai quật, hiện chỉ còn dấu vết của 3 vòng thành. Mỗi vòng thành có hào nước bao quanh bên ngoài, rộng 10-30m.
Hiện tại, Cổ Loa được công nhận là một trong 21 khu du lịch Quốc gia trải rộng trên 3 xã Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội) với diện tích tổng thể 500 ha. Cấu trúc thành Cổ Loa được chia làm 3 khu: Thành nội, thành trung và thành ngoại. Trong đó, thành ngoại có chu vi khoảng 8 km, các lũy xưa cao 4-5m, có chỗ cao 8-12m. Thành trung có chu vi khoảng 6,5 km với kết cấu như thành ngoại, nhưng hẹp và kiên cố hơn. Thành nội có diện tích khoảng 2 km2, nơi ở của An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan lại dưới triều. Hiện tại, đây là nơi lập đền thờ An Dương Vương và quy tụ những công trình kiến trúc lịch sử liên quan đến Khu di tích Cổ Loa.
Thăm gì khi đến Cổ Loa
Xuống xe buýt, du khách đi bộ khoảng vài trăm mét là thấy cổng chào Khu di tích Cổ Loa. Di tích đầu tiên mà du khách có thể viếng thăm là đình làng mang đầy vẻ uy nghi, quyền thế của bậc đế vương. Hiện nay, nơi đây trưng bày nhiều hiện vật khai quật được ở khu di tích như: mũi tên đồng, trống đồng… Bên trái đình là Am Mỵ Châu, nơi nổi tiếng khắp vùng là chốn linh thiêng với những người cầu duyên. Đây là nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Tương truyền người dân Cổ Loa xưa tìm thấy viên đá hình người không đầu nên mang về thờ, càng thờ nó càng to ra đến kích thước như ngày nay.
Dulichgo
Từ Am Mỵ Châu đi sâu vào phía trong là chùa Bảo Sơn. Hiện tại, chùa đang lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có giá trị to lớn như: bức cốn tứ linh thế kỷ XIX, 134 bức tượng Phật bài trí ở chính điện, hậu cung, hành lang và nhà Mẫu, 5 tấm bia đá từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, hai đại hồng chung đúc vào năm 1803, một khánh đồng cùng nhiều pháp khí có giá trị khác.
Đền Thượng, nơi thờ An Dương Vương là điểm đáng tham quan nhất trong khu di tích Cổ Loa. Đền xây dựng năm 1687 đời vua Lê Hy Tông. Trước cửa đền có đôi rồng đá trạm trổ tinh xảo, mang đậm kiến trúc nhà Lê. Bên trong cửa tam quan là không gian rộng rãi, thoáng mát. Cách không xa đền thờ An Dương Vương là đền thờ Cao Lỗ. Ông là người sáng tạo ra nỏ Liên Châu và cũng là người chỉ huy việc xây dựng thành Cổ Loa.
Đến Cổ Loa không chỉ để tham quan các công trình kiến trúc, điều thú vị nhất khi đến đây là được trở về với lịch sử hơn 2.000 năm của dân tộc Việt để được nghe truyền thuyết Nỏ thần và mối tình bi thương mà ngang trái Mỵ Châu - Trọng Thủy.
Tương truyền: Thành Cổ Loa xây nhiều lần mà vẫn đổ. Phải đến khi có sự giúp đỡ của Thần Kim Quy, An Dương Vương mới xây dựng được thành. Sau khi xây thành xong, Thần Kim Quy đã tặng cho An Dương Vương chiếc móng rùa để làm nỏ thần bắn một phát ra cả trăm tên khiến quân địch hoảng sợ. Đó chính là thứ vũ khí lợi hại giúp An Dương Vương giữ vững bờ cõi. Trong khi đó, qua nhiều lần nghiên cứu khảo cổ, các nhà khảo cổ đã tìm ra cách An Dương Vương giữ thành đứng vững là chèn đá vào chân tường thành, ở dưới sâu lòng đất vì đây là khu vực đất yếu.
Còn Nỏ thần thực chất là “nỏ Liên Châu” do tướng quân Cao Lỗ phát minh. Nỏ có “chốt giữ liên hoàn” để một lần bóp cò là nhiều mũi tên bay ra cùng lúc. Kết hợp với cấu tạo của Thành Cổ Loa theo hình xoáy trôn ốc, các ụ công sự được sắp xếp so le, nên các mũi tên từ các hướng bay ra khiến quân địch vô cùng hoảng sợ.
Triệu Đà không tìm được cách chiến thắng An Dương Vương đã giả hòa và xin kết thân cho con trai là Trọng Thủy với con gái của An Dương Vương là Mỵ Châu. Vì An Dương Vương ỷ vào sức mạnh nỏ thần nên chủ quan, không ngờ Trọng Thủy đánh cắp nỏ thần. An Dương Vương đã bị quân của Triệu Đà tiến đánh. Trong lúc nguy cấp, An Dương Vương đưa Mỵ Châu lên ngựa bỏ chạy. Nhưng vì quá yêu và tin Trọng Thủy, nên trên đường chạy trốn Mỵ Châu đã rải lông ngỗng để Trọng Thủy có thể tìm thấy. Cuối cùng khi chạy đến bờ biển, An Dương Vương mới biết con gái dẫn đường cho giặc đuổi theo nên rút kiếm chém đầu Mỵ Châu, còn mình theo Thần Kim Quy lặn xuống biển sâu. Trọng Thủy vì quá đau khổ đã nhảy xuống giếng trong thành Cổ Loa tự vẫn. Đến nay, sự thực về mối tình đầy ngang trái này vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Dulichgo
Ăn, Xem, mua gì khi đến Cổ Loa
Do nằm ở khu vực ngoại thành, nên Cổ Loa mang đầy đủ đặc điểm của khí hậu Hà Nội với 4 mùa rõ rệt. Vì thế, mỗi mùa, cảnh quan nơi đây lại mang sắc thái khác nhau. Nếu là người thích không khí lễ hội, thì du khách nên đến vào thời điểm diễn ra lễ hội Cổ Loa từ ngày 6 đến 16 tháng giêng để có cơ hội hòa mình vào các đám rước, nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian...
Bằng không, du khách có thể chọn thời điểm khi tiết trời sang thu, thời tiết mát mẻ, đặc biệt là vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21,26 hàng tháng để có cơ hội trải nghiệm sống trong không khí chợ phiên lâu đời còn sót lại ở đây.
Ngoài tham gia lễ hội và tham quan các di tích, du khách còn có cơ hội nếm thử các đặc sản của người dân nơi đây, trong đó phải kể đến cháo trai Cổ Loa. Quán cháo trai nổi tiếng này nằm ở cổng chợ Cổ Loa chỉ mở cửa từ 15 giờ đến 18 giờ. Do quán đông khách, nên nếu không nhanh chân, du khách sẽ phải ra về trong sự tiếc nuối. Cháo trai Cổ Loa được làm từ những con trai bắt ở sông Hoàng Giang béo, dai, ngọt lịm. Điểm đặc biệt của cháo trai Cổ Loa là khi thưởng thức ngoài quẩy ra, không thể thiếu cà pháo muối sổi. Miếng cháo thơm lừng béo ngậy ăn kèm miếng cà giòn giòn thanh thanh, tạo ấn tượng khó phai.
Cùng với cháo Trai, Bún Mạch Tràng cũng là đặc sản nên thưởng thức khi đến Cổ Loa. Tương truyền: Trong lúc chuẩn bị yến tiệc cho lễ dạm hỏi công chúa Mỵ Châu, đầu bếp đã làm đổ bột gạo vào chiếc rổ đặt trong vạc nước sôi. Khi nhấc chiếc rổ lên, đầu bếp thấy bột gạo kết thành những sợi màu trắng. Vì tiếc của, đầu bếp cho sợi gạo vào xào với rau cần để làm món ăn nhẹ. Không ngờ món ăn được An Dương Vương khen ngợi, nên có mặt trong thực đơn đãi khách.
Bún Mạch Tràng ra đời từ đó và trở thành món ăn đặc sản của Cổ Loa, được dâng cúng hàng năm vào dịp Lễ hội Đền Cổ Loa hay ngày 13/8 (lễ ăn hỏi công chúa Mỵ Châu). Bún Mạch Tràng trắng ngà, sợi dài và được dùng trong nhiều món ăn như: bún mắm, bún chả, bún đậu… Nhưng đặc biệt nhất vẫn là bún xào cần. Du khách có thể tìm thấy món ăn này ở chợ Cổ Loa khi đến tham quan khu di tích này.
Dulichgo
Khi đến Cổ Loa, du khách cũng đừng quên mua một vài món đồ lưu niệm về làm quà cho người thân và bạn bè như bức tượng nhỏ về An Dương Vương, Cao Lỗ hay những con rùa đá nhỏ biểu tượng của mảnh đất nơi này.
Khi đã thăm thú và thỏa thích thưởng thức các món ăn đặc sản cũng như mua sắm những đồ cần thiết, du khách quay lại bến xe, lên tuyến buýt 15,17, 46 để trở về trạm trung chuyển Long Biên hay bến xe Mỹ Đình kết thúc hành trình khám phá khu di tích Cổ Loa, nơi phát tích huyền thoại Nỏ thần và Mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy bi thương, đầy ngang trái.
(Còn tiếp)
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P1): Hành trình di sản
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P2): Thăm làng nghề ngàn năm tuổi
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P3): Về nơi phát tích huyền thoại Nỏ Thần
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P4): Thăm làng văn hóa các dân tộc Việt Nam
Theo Quang Huy (Sống Mới.vn)
Du lịch, GO!
Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2017
Thành phố tôi
Home
Di tích lịch sử
Địa danh
hướng dẫn du lịch
Thành phố tôi
Du lịch Hà Nội bằng xe buýt (P3): về nơi phát tích huyền thoại Nỏ Thần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét