• Breaking News

    Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

    Giữa lòng Tây Giang

    Bỏ qua những bộn bề công việc, hãy "phượt" lên miền biên ải Tây Giang, huyện vùng cao giáp Lào của tỉnh Quảng Nam để cảm nhận vẻ đẹp hoang dã của núi rừng và cuộc sống thanh bình của người Cơ tu nơi đây.

    Được tách thành hai huyện Đông Giang và Tây Giang từ huyện Hiên cũ từ năm 2003. Tây Giang cách TP Đà Nẵng chừng 116km, đường lên Tây Giang vòng vèo, quanh co xuyên giữa bạt ngàn rừng thẳm. Chốc chốc lại bắt gặp những bản làng Cơ tu nằm chênh vênh triền núi hay lọt thỏm giữa thung lũng xanh, cái màu xanh ước vọng của những đồng ruộng bậc thang đã xong mùa gieo cấy.

    Chúng tôi về với đại ngàn Tây Giang giữa những cơn mưa rừng, ngủ dưới mái nhà sàn trong cái lạnh suýt xoa như đang ở giữa Sapa, Đà Lạt.
    Dulichgo
    Hai bên đường lên thị trấn Tơ Viêng (Tây Giang), một bên là bờ taluy sừng sững, một bên là dòng A Vương ầm ào thác dội giữa thâm u, huyền bí của đại ngàn. Những cánh rừng nguyên sinh  xanh thẳm, những đỉnh núi chót vót mây trắng lượn lờ.

    Có lẽ, dân "phượt" sẽ cảm thấy thích thú khi được chinh phục những con dốc ngất ngưỡng trời xanh, những con đèo ngoằn ngoèo trên vực thẳm hay những cây cầu treo lát gỗ lắt lư mà đứng giữa cầu nhìn xuống thác ghềnh với cảm giác lâng lâng của người chinh phục.

    Giữa rừng rậm, những cây pơ mu hiện ra sừng sững, vỏ cây màu nâu đỏ nổi bật giữa rừng già, có gốc đến chục người ôm...

    Tháng 5/2016, người dân huyện Tây Giang, Quảng Nam vui mừng đón nhận bằng công nhận quần thể 725 cây pơ mu là Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao tặng.
    Dulichgo
    Vậy là giữa đại ngàn Tây Giang nay đã ghi tên một quần thể pơ mu có quy mô lớn nhất hiện nay. Tổng số cây pơ mu đo đếm được là 1.366 cây. Cây lớn nhất có chu vi thân 7,52m. Mà để có được thành quả ấy, người dân Tây Giang với hơn 95% dân số là dân tộc Cơ Tu đã phải mất 5 năm băng rừng, tìm đếm từng gốc pơ mu.

    Lên với Tây Giang để đắm mình trong nét hoang sơ của ngôi làng truyền thống bao đời của người Cơ tu. Nhưng nhà Gươl, nhà Moong, nhà Dài độc đáo với kiến trúc và chạm trổ đặc trưng chỉ có ở người Cơ tu nơi đây.
    Dulichgo
    Có dịp lưu trú sẽ để nghe giọng trầm khàn "ô..ô, a..a" từ điệu lí Cơ tu của những già làng. Để ngà ngà say bên ché rượu cần vây quanh đống lửa sân Gươl, ngắm nhìn những chàng trai, cô gái Cơ tu tạo thành vòng tròn nghiêng mình Tâng tung - za zá (điệu múa truyền thống Cơ tu)...

    Nhưng Tây Giang không chỉ có vậy, những con thác Nal, thác R’cung vẫn tung bọt trắng xóa mỗi ngày, ruộng bậc thang sắp chuyển mùa lúa chín cũng đẹp chẳng khác nào Tây Bắc.

    Những cung đường cua khúc khuỷnh với cảnh núi non trùng điệp, mây mờ bao phủ những sớm mai đều khiến bất kỳ ai bị mê hoặc.

    Ngược về các điểm bản, người lữ khách được mời uống chén rượu Kích, ăn bữa cơm với rau rừng và chẳng gì tuyệt hơn khi ngắm các chàng trai cô gái Cơ Tu duyên dáng, mạnh mẽ trong điệu múa Tâng tung - da dá của lễ hội mừng cơm mới.

    Những em bé Cơ Tu vui đùa với đôi mắt sáng long lanh, những vị già làng với giọng Kinh lơ lớ mời từng người khách lạ nán lại bản làng.

    Tây Giang cũng là nơi có rất nhiều món ăn, thức uống độc nhất vô nhị mà không nơi nào có được. Uống: có rượu nếp than, rượu Tr'din, Tà-vạt...
    Dulichgo
    Ăn: có bánh sừng trâu, cà- đang (sùng đất), zará (món thịt cộng với rau rừng thọc nhuyển trong ống lồ ô)...

    Lên với Đông Giang là trộn lẫn của rất nhiều cảm xúc : mệt mà vui, lạ mà ngon, rùng mình mà thú vị, lạnh lẽo mà ấm áp tình người. Tất cả khiến chúng tôi say mê đại ngàn giữa lòng Tây Giang...

    Tây Giang là một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Phía tây giáp Lào, phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên-Huế, phía đông giáp huyện Đông Giang, phía nam giáp huyện Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Tây Giang được thành lập vào ngày 25 tháng 12 năm 2003 trên cơ sở tách huyện Hiên tỉnh Quảng Nam thành huyện Đông Giang và Tây Giang theo quyết định số 72/2003/NĐ-CP của thủ tướng chính phủ. Tây Giang có tổng diện tích tự nhiên là 901,2 km2.

    Du lịch, GO! tổng hợp

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử