(TH24) - Nổi tiếng với những rừng quế bạt ngàn, hương quế tự nhiên nức lòng bao khách phương xa, Thường Xuân được biết đến là huyện miền núi giàu tiềm năng của vùng đất phía tây xứ Thanh. Đặc biệt trong số đó phải kể đến tiềm năng phát triển du lịch hồ Cửa Đạt.
Công trình dân sinh và tiềm năng du lịch
Hồ Cửa Đạt được biết đến là công trình dân sinh thủy lợi - thủy điện với trữ lượng gần 1,4 tỷ m3 nước. Ngoài việc chống lũ, bảo vệ hạ lưu thì công trình này còn duy trì ổn định nguồn nước tưới cho vùng nam, bắc sông Chu; cung cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho người dân; phục vụ phát điện…Nơi đây còn là một biển hồ du lịch đầy tiềm năng, vô cùng hấp dẫn.
Giữa bao la trùng điệp núi rừng miền núi huyện Thường Xuân, hồ Cửa Đạt hiện ra giữa một khoảng mênh mông như con mắt của thiếu nữ rừng xanh. Công trình bề thế khiến người đến đây lần đầu không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp khi tham quan thưởng lãm cảnh đẹp của lòng hồ bằng du thuyền.
Dulichgo
Cả không gian mênh mông nước, hồ Cửa Đạt hiện ra tĩnh lặng đến nao lòng. Như có điều gì đó hoang hoải, cảm giác thật nhỏ bé của con người trước thiên nhiên bao la. Nếu bạn vốn đã quen trước biển Sầm Sơn ồn ào sóng vỗ, hay dòng Mã giang cuộn trào mỗi khi mùa lũ về thì sẽ vô cùng bất ngờ với sự tĩnh tại của lòng hồ mênh mông. Cùng với đó, khung cảnh vắng lặng còn giữ nguyên nét hoang sơ của cảnh vật bốn bề lòng hồ cũng sẽ đưa du khách đến với những suy tư đầy xúc cảm!
Và chắc chắn, không ít người phải chợt tự hỏi: Thiên nhiên còn bao nhiêu điều kỳ bí mà ta chưa biết đến. Còn bao nhiêu điểm đến say lòng như nơi đây mà con người vẫn chưa khám phá hết. Thả nỗi băn khoăn vào vùng sông nước mênh mông của lòng hồ Cửa Đạt, du khách tiếp tục hành trình khám phá với hi vọng đi đến tận cùng. Nếu ý định ban đầu của du khách chỉ là du lịch khám phá lòng hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt thì chắc chắn, chuyến đi này sẽ mang đến cho bạn nhiều bất ngờ hơn những gì vốn dự định.
Bởi, khi đến với mảnh đất này, bạn sẽ thật khó cưỡng lại sức hấp dẫn của những hang động, thác nước đẹp đến mê hồn ngay gần đây: hang Mường, hang Tình, hang Vua (xã Vạn Xuân); thác Trai Gái (xã Xuân Lẹ); thác Mù và đặc biệt là thác Hón Yên.
Một điều thú vị nữa là cả lòng hồ Cửa Đạt nằm trọn trong khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nổi tiếng với hệ động thực vật đa dạng, phong phú. Khu Bảo tồn có độ cao từ 800-1.600m so với mực nước biển với hàng nghìn ha rừng nguyên sinh đang được bảo vệ. Đây thực sự là điểm đến hấp dẫn cho những du khách đam mê với du lịch khám phá, trải nghiệm.
Dulichgo
Trong hành trình khám phá du lịch hồ Cửa Đạt, khách tham quan còn được đến thăm đền Cửa Đặt nằm soi mình bên ngã ba sông nước trong xanh in bóng rừng già. Đây là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh trong dịp đầu năm.
Sau khi đã thấm mệt với những cung đường, trải nghiệm du lịch, du khách sẽ không thể từ chối món ăn đặc sản của lòng hồ Cửa Đạt đó là cá nướng. Cá được câu trực tiếp ngay tại hồ, kết hợp với lá, hạt mắc khẽn của núi rừng miền tây khiến cho món cá nướng càng trở nên hấp dẫn. Nhiều người đã phải thốt lên đầy ngạc nhiên vì chưa bao giờ được ăn món cá nướng ngon đến vậy.
Những đầu tư hiệu quả bước đầu
Với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch hồ Cửa Đạt, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về một điểm đến thu hút đông khách trong tương lai khi được đầu tư, quảng bá xứng tầm.
Trao đổi với ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VH-TT huyện Thường Xuân được biết: Với hạ tầng cơ sở được huyện đầu tư Xây dựng từ năm 2012 đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như trung tâm đón khách; trạm nghỉ chân và sinh hoạt trên hồ phục vụ nhu cầu ăn, cùng một số tầu phục vụ du khách di chuyển, tham quan du lịch lòng hồ.
Dulichgo
Cùng với đó, việc xây dựng tuyến đường bộ dài 16km ven lòng hồ và chòi nghỉ chân thân thiện, phù hợp với môi trường tự nhiên cũng đang được dần hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, về phía huyện còn nỗ lực tích cực trong việc phối hợp với khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái khu Bảo tồn đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt năm 2012 và Quy hoạch phát triển đến năm 2020. Khi đề án được hoàn thành và đi vào thực tiễn khai thác, chắc chắn sẽ tác động và làm thay đổi không nhỏ đến sự phát triển của du lịch hồ Cửa Đạt.
Và, để tạo sự đồng bộ, kết nối giữa du lịch hồ Cửa Đạt với các điểm đến khác, huyện Thường Xuân những năm qua đã đầu tư xây dựng các tuyến đường vào các danh thắng như: thác Yên; thác Mù…với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng.
Việc quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng của huyện Thường Xuân đối với các điểm du lịch quan trọng đã khẳng định sự coi trọng đối với vấn đề phát triển du lịch trên địa bàn huyện nói chung và du lịch hồ Cửa Đạt cùng vùng phụ cận nói riêng.
Dulichgo
Năm 2014, du lịch hồ Cửa Đạt đã chính thức được đưa vào khai thác. Đây là dấu mốc quan trọng đối với công trình dân sinh thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt. Sự kiện này được đánh giá là đã mở ra cơ hội cho phát triển du lịch của huyện miền núi Thường Xuân. Con số ước đạt khoảng trên 1.000 lượt du khách/năm đến với du lịch hồ Cửa Đạt, dẫu còn khá khiêm tốn so với tiềm năng song đó là tín hiệu vui cho sự phát triển của một công trình dân sinh thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt trên hành trình trở thành điểm đến hấp dẫn.
Theo Thế Vinh (Thanh Hóa 24), ảnh internet
Du lịch, GO!
Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017
Suối - thác
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét