(QNO) - Thịt cá bống săn chắc, đậm đà hương vị quyện với cơm gạo lúa mới dẻo thơm, gợi nhớ ngày xa. Nhớ những ngày ngụp lặn đào hang, bắt cá, bữa cơm gia đình đầm ấm bên mái tranh nghèo…
Đầm An Khê (còn gọi là Phú Khê, Cẩm Khê), nằm giữa xã Phổ Thạnh và Phổ Khánh, huyện Đức Phổ khá hoang sơ và thơ mộng. Nghiên cứu khảo cổ học cho rằng, đây không chỉ là nơi phát hiện đầu tiên mà còn là chiếc nôi của nền văn hóa Sa Huỳnh với niên đại khoảng 3.000 năm trước. Nguồn thủy sản trong đầm khá phong phú, cung cấp thực phẩm cho cư dân Sa Huỳnh cổ và giờ là nguồn dinh dưỡng quan trọng đối với người dân sinh sống ven bờ. Tôm, cá, lươn, chình… vừa được vớt lên từ đầm có thể chế biến thành những món ngon tuyệt hảo, nhất là cá bống kho tiêu.
Đào hang dụ cá và bắt cá
Rong ruổi trên vùng đất Sa Huỳnh, tôi được nghe chuyện đào hang dẫn dụ rồi bắt cá bống ở đầm An Khê khá hấp dẫn. Chuyện xảy ra hơn 20 năm về trước, khi lượng thủy sản trong đầm còn khá dồi dào.
Đầu tháng 3 – 8 âm lịch, nhiều người sống ven đầm ngắm hướng rồi đo bước chân, ngụp lặn đào hang dưới đáy. Họ dùng hai tay móc bùn tạo thành chiếc hang rỗng, hai đầu thông nhau tựa hầm ngầm dưới làn nước. Mỗi người sở hữu hàng chục chiếc hang, là nơi trú ẩn lý tưởng của loài cá bống khi đến mùa nắng nóng.
Dulichgo
Ban trưa, những tia nắng chiếu xuống đầm như rọi vào chiếc gương khổng lồ, phản chiếu lấp lóa. Nước trong đầm dần nóng khiến lũ cá bống rủ nhau tìm hang trú ngụ. Nhiều người đeo chiếc giỏ đan bằng nan tre bên hông dò từng bước chân rồi ngụp lặn, thọc hai tay vào hai cửa hang để chặn bắt cá.
Những người lần đầu chứng kiến cứ ngỡ họ đang chơi trốn tìm trong làn nước xanh thẳm. Và dẫu rằng, “cá đã vào hang” nhưng không dễ bắt. Lực đẩy của nước khiến cơ thể nổi bập bềnh, kéo theo hai bàn tay rời khỏi hang. Chỉ chờ có thế, những con cá bống cái lanh lẹ lách khỏi lòng bàn tay và trườn qua khe trống ra ngoài. Những con bống đực dài ngoẵng, ốm tong teo nằm dật dờ trong hang rồi chui vào giỏ. Có lẽ, chúng phải gắng sức quá độ để “xứng mặt đàn ông” nên thân thể mới tiều tụy đến thế!
Anh Đỗ Dễ - Phó Đài truyền thanh – truyền hình huyện Đức Phổ, người có nhiều năm đào hang bắt cá bống ở đầm An Khê cho biết: Hầu hết cá trú ngụ trong hang là bống cái. Cả buổi lặn ngụp bắt được vài chục con nhưng chỉ vài con cá đực. “Cá bống cái rất khó bắt, chỉ hở tay một xíu là chúng thoát ra ngoài. Những con bống đực ốm nhách, nằm im như sẵn sàng chết khi đã làm tròn phận sự…” – anh nói.
Khó quên cá bống kho tiêu
Giờ cá bống không còn nhiều như thuở trước nên giá khá cao, mỗi ký cả trăm nghìn đồng. Dẫy vậy, mỗi khi gặp mớ cá bống tươi rói thì nhiều bà nội trợ vội vàng mua và mang về kho tiêu. Sau khi mang về dùng dao cạo sạch vảy rồi móc bỏ mang và lòng cá. Tiếp đến, rửa sạch cá qua nước muối rồi cho vào nồi ướp với gia vị, tiêu xay nhuyễn và hành tím xắt lát gần cả giờ đồng hồ để thịt cá thêm săn chắc.
Để món cá bống kho tiêu thơm ngon nhất thiết không thể thiếu nước đường nấu dẻo. Cho đường đen nấu theo phương pháp thủ công cùng ít nước vào nồi rồi đun nhỏ lửa đến khi bốc mùi thơm thì nhấc xuống khỏ bếp, cho vào tủ để dùng dần. Nồi cá bống ướp với gia vị, thêm ít nước đường đen nấu dẻo và nước vừa ngập cá rồi đun nhỏ lửa. Chừng nửa giờ sau, mở nắp, nồi cá kho bốc mùi thơm phức, cá sẫm màu trông thật bắt mắt.
Dulichgo
Thuở trước, nhiều người kỹ tính kho cá trong nồi đất và đun nhỏ lửa bằng củi tre. Sau đó, vùi nồi cá kho vào trong bếp trấu để cá khô nhưng không cháy, hương vị càng thêm đậm đà. Giờ khá bận rộn nên khi cá chín thì nhấc xuống khỏi bếp, gắp ra đĩa rồi rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn lên trên là đã có món cá kho ngon tuyệt vời.
Thịt cá bống săn chắc, đậm đà hương vị quyện với cơm gạo lúa mới dẻo thơm, ngon khó gì sánh bằng. Những bậc cao niên khi được thưởng thức món cá bống kho tiêu thường nhớ về ngày xa. Nhớ những ngày ngụp lặn đào hang, bắt cá, bữa cơm gia đình đầm ấm bên mái tranh nghèo.
Theo Trang Thy (Quảng Ngãi online)
Du lịch, GO!
Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017
Ẩm thực địa phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét