• Breaking News

    Thứ Năm, 18 tháng 5, 2017

    Huyền bí 'Cánh đồng vàng' ở miền Tây

    Cứ sau mỗi cơn mưa lớn, vàng không biết từ đâu lại “rũ đất” trồi lên, có người may mắn “trúng lớn” nhặt được cả nải chuối, vương miện bằng vàng “khệ nệ” bê về nhà. “Cánh đồng vàng” là câu chuyện có thật đã từng xảy ra ở ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An vào những năm 80 của thế kỷ trước. Hầu hết những người từ khoảng 50 tuổi trở lên ở đây vẫn còn nhớ như in những ngày “vàng nổi”, cả cánh đồng lúa biến thành đại công trường đào đãi vàng.

    Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, từ trung tâm xã Vĩnh Đại, chúng tôi chạy dọc theo con đường bê tông mới đổ hướng về cánh đồng lúa ngút ngàn thẳng cánh cò bay. Trên đường đi, gặp bà Nguyền Thị Huệ (51 tuổi), bà vui vẻ chỉ dẫn: “Các chú cứ đi thẳng, gặp cây cầu Đồng Ràng, nhìn sang tay trái là thấy rồi. Cả một vùng đất bao la hiện giờ nhưng hồi đó, ai ở vùng quê này cùng đều ra đó “mò” vàng. Tôi cũng được mấy chỉ, đó là kém may mắn thôi, chứ có người được nhiều lắm”.

    Bí ẩn cây cầu mang tên “Đồng Ràng”

    Hóa ra “Đồng Ràng” là cách nói láy của Đồng Vàng. Nơi đây, sau mấy chục năm “vàng nổi”, mọi dấu tích của “công trường” vàng đã hoàn toàn mất dấu. Giờ đây, nhìn nó cũng như bao cánh đồng khác ở Long An, người dân đang khẩn trương chuẩn bị cho vụ mùa mới.


    < Ông Sáu Lý kể về hậu vận cánh đồng vàng.

    Gặp chúng tôi ngay dưới chân cầu, lão nông tên Lâm (hơn 60 tuổi) vẫn còn nhớ như in những ngày “thu hoạch vàng” sôi động năm nào. “Các chú cứ gửi xe ở đây, rồi đi bộ tầm cây số nữa là tới, chứ đi xe máy là lao xuống ruộng đó. Cánh đồng này rộng nhưng trung tâm có vàng chỉ chừng hơn chục mẫu gần nhà ông Sáu Lý thôi”, ông Lâm vui vẻ chỉ.

    Theo lời ông Lâm, vào khoảng những năm 1985, mảnh đất gần biên giới Campuchia này vốn là vùng kinh tế mới của huyện Vĩnh Hưng (này thuộc huyện Tân Hưng), thuộc quản lý của nông trường Lúa Vàng. Người dân đa phần đều là công nhân làm việc cho nông trường.
    Dulichgo
    “Dân cư thưa thớt, đất đai cằn cỗi. Việc cấy lúa phụ thuộc vào nguồn nước nên mỗi năm chỉ có một vụ. Trước khi phát hiện vàng, chỗ đó là vùng đất đã bị bỏ hoang nhiều năm do đất xấu. Hơn chục mẫu ruộng trở thành rừng tràm, cấy cối mọc thành từng bụi lớn khiến trẻ con còn sợ không dám bén bảng tới”, ông Lâm kể.

    Bỗng một ngày, cả ấp kháo tin có người chăn trâu vô tình nhặt được cục vàng lớn. “Khi ấy tôi đang phát cỏ ngoài ruộng thì có người ghé tai thì thầm rằng cánh đồng kế nhà chứa vàng. Mới đầu tôi cũng không tin, nhưng khi chạy ra đồng thì đã thấy vài chục người đang đào xới, phá tràm phát cỏ tìm vàng. Từ khi ấy cả ấp đua nhau tìm kiếm, sáng đêm không nghỉ, đèn đuốc sáng rực cả góc rừng âm u”, ông Lâm nhớ lại.

    Lão nông này cho hay, ai ở tầm tuổi ông cũng từng kinh qua những tháng ngày lăn lóc, xì xụp trong đất bùn tìm vàng ngay giữa cánh đồng này. Tuy nhiên, ông nói muốn tìm hiểu về “cánh đồng vàng” thì nhất quyết phải đến nhà ông Sáu Lý, vì mảnh đất nhà ông Sáu chính là trung tâm bãi vàng năm xưa, ông Sáu cũng đã từng sống chết với thứ “lộc trời” này.
    Chia tay ông Lâm, chúng tôi rảo bước tiến vào trung tâm cánh đồng vàng kỳ bí năm xưa...

    Lời kể của nhân chứng sống

    < Ông Trần Văn Thêm nói về lịch sử cánh đồng vàng năm xưa.

    Căn nhà ông Sáu Lý ẩn khuất sau rặng tràm cao vút, im ắng giữa cánh đồng mênh mông. Ông Sáu Lý, dáng người khẳng khiu, nhắc lại chuyện cũ cười nồng hậu: “Chuyện đã qua gần 30 năm nhưng ký ức về quãng thời gian mò vàng ấy vẫn luôn sống động trong tôi”.
    Dulichgo
    Ông Sáu Lý kể, chiều đó, ông đang hái rau muống sau nhà thì bỗng thấy có nhóm người lạ quanh quẩn ngoài cánh đồng hoang tìm kiếm thứ gì đó rất bí hiểm. Tò mò dò hỏi mãi, một người phụ nữ mới bật mí với ông Sáu là đang tìm vàng. Chuyện này đối với ông Sáu thật không thể nào tin được, bởi từ đời cha ông sống trên mảnh đất này chưa bao giờ thấy gì ngoài đám cây cối um tùm, mùa mưa nước ngập trắng xóa. Đến khi những người lạ chìa miếng vàng nhỏ như hình ốc vít tán mỏng ra trước mặt, ông Sáu mới thực sự ngỡ ngàng.

    Không bỏ lỡ vận may trời cho, từ hôm đó, cả gia đình ông Sáu hào hứng tham gia tìm vàng. “Tôi cũng như nhiều người dân khác chọn chỗ đất mềm sấn thử rồi cho nước vào sàng cho dễ. Tay đang bóp đất thì tôi khựng lại, người nóng ran, trong lòng bàn tay có một thứ gì rất cứng, nặng khác thường. Rửa sạch rồi mang tới thợ bạc kiểm tra, họ nói là vàng và đòi mua luôn. Lúc ấy tôi mới thực sự tin là mảnh đất này có vàng”, ông Sáu kể.

    < Cánh đồng vàng năm xưa khiến hàng ngàn người dân đổ xô về tìm vàng.

    Lúc đầu chỉ có một vài hộ dân biết chuyện, tò mò cũng ra mò mẫm cầu may. Không ngờ ai cũng được vàng, người ít, kẻ nhiều, họ mừng rỡ la hét khiến không ai có thể ngồi im được. Tiếng đồn... vàng nổi rộ lên, người dân ùn ùn kéo đến đây tìm kiếm báu vật dưới lòng đất. Cái xứ khỉ ho cò gáy này phút chốc trở thành vùng đất hứa đổi đời.

    Ông Sáu nhớ lại: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng đông đúc như thế. Không chỉ cư dân ở đây mà dân tứ xứ từ các vùng Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… đổ về. Ghe, thuyền tập trung, kéo dài hết cả con kênh 62. Họ tích trữ đồ ăn, nhiên liệu đến cả tháng trời, từng nhóm người dựng lều trại cả trăm chiếc, chật kín cánh đồng vài chục mẫu của nông trường Lúa Vàng”.

    Không chỉ có người đi tìm vàng, cánh thương lái từ khắp nơi hay tin cũng kéo về, dựng luôn cửa hàng tại chỗ, mua vàng ngay khi người dân đào được. Vùng quê nghèo bỗng chốc trở nên náo nhiệt, đông vui. Số người đổ về ngày càng đông, các khu chợ được lập nên buôn bán đủ mặt hàng. Từ đồ ăn đến dụng cụ khai thác và như chảo khoắng, sạp đãi, cuốc xẻng cả dịch vụ vui chơi, giải trí cũng có mặt.

    Một số người “trúng mánh” mời bà con ăn uống hát hò suốt cả đêm. Đám thợ vàng túc trực ngay đầu ruộng, chỉ chờ người cầm vàng chạy ra là ra giá mua luôn khiến nơi đây không khác gì một “đại công trường” sôi động. Đến bây giờ, ông Sáu Lý và nhiều bà con trong vùng vẫn còn nuối tiếc khi nhắc lại quãng thời gian huy hoàng ấy.

    Những mảnh vàng hình dạng kỳ dị
    Dulichgo
    Theo người dân địa phương, dù có cả ngàn người cùng nhau “khai thác”, nhưng rất hiếm có chuyện mâu thuẫn, kết bè phái tranh giành. “Hầu như không một ai bỏ công sức tới đây mà không kiếm được chút gì từ mảnh đất này cả”, ông Sáu Lý nói.
    Tuy nhiên, ngay từ lần “bắt được vàng” đầu tiên, ông Sáu đã nhận thấy có sự kỳ lạ trong của quý này. “Không hề có một hình dáng, kích cỡ cố định ở loại vàng này. Loại vàng nhỏ như trứng cá lẫn trong đất là nhiều nhất, từng viên tròn nhỏ bóng loáng tập trung lại với nhau, ai may mắn đào gom lại được cả nắm. Lại có loại vàng lá mỏng dát đều, rất kì công”, ông Sáu Lý kể.

    Thời gian đó, những gì ông Sáu Lý chứng kiến thì nơi đây đúng là một “kho báu vàng khổng lồ”. Có người tìm thấy đồ vật như chiếc vương miện, gọng tròn như đầu ngón tay, đường kính khoảng 20cm. Lại có một chàng trai đào thấy nải chuối vàng, mỗi quả là một miếng vàng dát mỏng, gia công rất khéo. Ngay chính ông Sáu cũng có lần tìm được món đồ như chiếc nhẫn uốn cong lại.

    < Di vật vàng khai quật tại di chỉ Óc Eo.

    Ông Sáu Lý cũng được xem là người có kinh nghiệm nhất trong việc tìm vàng. Chỉ cần nghe tiếng lắc chảo, cặn vàng “đạp” vào đáy là ông biết vàng hay đất đá. “Vàng nặng nên chìm, tiếng kêu sẽ khác. Có nhiều người mang đồ vật ở nhà đến bãi, trêu mọi người là đào thấy vàng. Tôi chỉ cầm lên là biết thật hay giả”, ông Sáu Lý kể.

    Có một quy luật mà ông Sáu Lý phát hiện ra sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ, đó là vàng thường tập trung hai bên mé kênh, nơi dòng nước thường xuyên luân chuyển. Lớp đất đóng cục sau mùa khô hạn bị nước mưa rửa sạch, vàng tự khắc trồi lên. Sau những cơn mưa lớn, dân tìm vàng cứ dàn hàng mà đi, ai may mắn có thể phát hiện cả cục to. “Mùa vàng” kéo dài đến khoảng cuối thập niên 90 thì chấm dứt, cũng đột ngột như khi vàng xuất hiện. Bỗng dưng đến lúc đó không còn ai tìm thấy vàng nữa.

    Chẳng ai giàu lên nhờ “bắt được vàng”

    Ông Đặng Việt Anh khi ấy đang làm dân phòng ấp, hay tin vùng quê nghèo người dân đang nháo nhào tìm kiếm vàng, ông cũng nhiều lần thử “vận may”. “Mình trực thì vẫn trực nhưng nghe tin ai tìm được vàng thì cũng háo hức lắm. Nhưng cũng có cái duyên số cả, có người may mắn thì tìm được rất nhiều nhưng phần lớn chỉ được vài ba chỉ đến một cây là cùng”, ông Việt Anh nói.
    Dulichgo
    Theo nhận định của cánh thợ vàng lúc bấy giờ, đa phần vàng tìm được đều là vàng non, một số còn chứa lượng bạc cao nên giá trị khi bán cho thương lái cũng không cao, chỉ đủ tiền ăn uống sinh hoạt. Đến giờ, người dân quanh cánh “đồng vàng” năm xưa cũng vẫn còn nghèo, cán bộ địa phương chưa ghi nhận có ai nhờ vàng mà phát tài nhà cao cửa rộng.


    < Dù đào được vàng, nhưng nhiều gia đình ở vùng Vĩnh Ân vẫn còn cuộc sống khó khăn.

    Thay vào câu chuyện phát tài, còn có nhiều lời đồn đoán về những người nhặt vàng, hậu vận không mấy sáng sủa. Điển hình là chuyện ông Tư Bé ở đầu ấp, sau khi nhặt được số vàng lớn mua đất, xây nhà nhưng chỉ được vài năm rồi tự nhiên mắc bệnh qua đời. Rồi có vô số người mắc bệnh nan y, sức lực cạn kiệt chỉ sau vài năm “vật lộn” tìm vàng, cũng có không ít người tán gia bại sản.

    Ông Sáu Lý không tin vào những điều tâm linh nhưng giải thích rằng: “Những người đàn ông mắc bệnh bấy giờ, có thể do quá lao lực, ham mê tìm vàng mà sinh bệnh. Vào mùa mưa, nước ở cánh đồng này ngập quá nửa người, họ tranh thủ lúc đấy đất mềm mà lặn ngụp ngày đêm, vì lạnh quá mà sinh bệnh thôi”, ông Sáu nói.

    Về miền quê Vĩnh Ân, nơi có “cánh đồng vàng” khi xưa nay vẫn thật bình dị, đơn sơ. Ông Sáu Lý nói: “Người dân nơi đây còn nghèo lắm. Chưa thấy ai nhờ vàng mà có của ăn của để, giàu có hơn người. Ngày ấy không biết tại sao, cứ bán được bao nhiêu lại ăn tiêu hết, không để lại được gì”.

    Méo mặt vì nhà giữa “cánh đồng vàng”

    Không biết thực sự có bao nhiêu người phát tài vì vàng, còn với gia đình ông Sáu Lý, hậu “cánh đồng vàng” là vô vàn rắc rối. Ông kể lại, sau cuộc khai thác, cả cánh đồng rộng hơn chục mẫu trông như bãi chiến trường vừa trải qua trận mưa bom, đất đá vương vãi khắp mọi nơi, chất từng đống cao gần chục thước.

    Ông Sau cho biết: “Khu đất nào nghi chứa nhiều vàng, họ tổ chức đào có sự hỗ trợ của cả máy móc, thế nên có những chỗ ruộng lúa thành như cái ao. Những cái hố nhỏ có khi sâu cả mét, nước mưa ngập lên rất nguy hiểm cho đám trẻ chăn trâu, thường hay chạy nhảy ở khu vực này”.

    Riêng nhà ông Sáu Lý, vì nằm chính giữa vùng trọng điểm “vàng nổi” nên chịu hậu quả nặng nhất. Để có thể tiếp tục trồng lúa, ông đã phải thuê máy ủi về san lấp, cải tạo lại bề mặt ruộng. “Thời gian đó máy móc còn hiếm, chi phí rất đắt đỏ, tiền công trả cho người ta lên tới vài cây vàng. Trong khi suốt vài năm ăn ngủ trên “kho báu”, số tiền bán vàng được còn không đủ trả cho người ta”, ông Sáu Lý cho biết.

    Đặc biệt là khu vực vườn keo của gia đình ông, trước khi “cánh đồng vàng” nổ ra, ông mới trồng hơn 1000 gốc keo đang tới độ sinh trưởng mạnh, cây đã cao quá đầu người. Tuy nhiên dù có trắng đêm thay phiên nhau túc trực canh gác, gia đình ông cũng không tài nào quản được khao khát đổi đời nhờ vàng của người dân.
    Dulichgo
    Tìm kiếm ngoài đồng chưa đủ, một số người nhằm lúc ông đang “hăm hở” ngoài bãi vàng liền mò vào vườn keo của gia đình đào xới. Sau 3 năm, số gốc cây còn sống chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Sáu ước tính, nếu số keo ngày ấy mà giữ được cho tới bây giờ, gia đình ông hẳn đã có một số tiền không nhỏ vì những cây sót lại nay đã to xấp xỉ một người ôm.

    Đến nay, dù đã qua cái thời vàng “lộ thiên” trên mặt đất, nhưng thi thoảng gia đình ông lại bị quấy rầy bởi nhiều người vác máy móc, dụng cụ tới thăm dò. Họ đi từng nhóm, mang máy rà kim loại tới rồi đưa tiền thuê miếng đất vài ngày để tìm kiếm. Kết quả thu được chẳng có gì nhưng cứ nhóm này đi lâu lâu lại có nhóm khác tới.

    Đặc biệt hơn, theo ông Sáu Lý, 5 năm trước có một đoàn người gồm 8 người tự nhận là sư tăng ở một ngôi chùa vùng An Giang ghé nhà, tất cả đều bận trang phục tu hành. “Một vị nói rằng, đêm hôm trước bà nằm mơ, trong giấc mơ ấy có một vị cao tăng nhắn nhủ bà phải tìm bằng được “quả trứng vàng”, địa điểm là mảnh vườn sau nhà tôi. Thế là cả đêm ấy, nhóm người thắp hương khấn vái, chọn giờ đẹp mới bắt đầu động thổ. Tuy nhiên suốt hai ngày đào xới, trứng vàng không thấy đâu, chỉ có cái hố to tướng toàn bùn đen để lại cuối vườn”, ông Sáu Lý kể.

    Thất vọng vì không tìm được “vật thần” nhóm người rời đi trong lặng lẽ. Nhưng không hiểu sao, sau đó vẫn có vài người nghe tin quả trứng vàng đến đây dò hỏi nhưng ông Sáu nhất quyết không cho họ phá vườn tìm kiếm nữa.

    Bán vé vào khu “trọng điểm vàng”

    Ông Đặng Thế Anh, trưởng ấp Vĩnh Ân nhớ lại, khoảng đầu năm 1983, chính quyền địa phương nắm bắt được thông tin vàng xuất hiện tại cánh đồng ấp Vĩnh Ân. Khi ấy, đất thuộc sự quản lý của nông trường Lúa Vàng. Các cán bộ của nông trường rất lo, vì có quá nhiều người đổ về đào xới.

    Vài chục mẫu ruộng đâu đâu cũng có người tìm kiếm nhưng vàng hầu như chỉ tập trung trong khoảng 10 mẫu tại khu vực nhà ông Sáu Lý bây giờ. Địa phương bàn bạc thống nhất lập chốt kiểm tra, bán vé ra vào khu vực trọng điểm khai thác. Cách làm này vừa kiểm soát được an ninh, số tiền vé thu được một phần trả lại cho nông trường Lúa Vàng bù đắp thiệt hại, đồng thời làm chi phí cho anh em an ninh trực ngày trực đêm. “Không ai bỏ tiền mua vé mà lỗ cả, hầu như ai cũng “bắt được vàng” – ông Việt Anh nói.

    Người dân tin vào huyền thoại

    Đến nay, người dân vẫn chưa biết chính xác nguồn gốc số vàng. Họ truyền tai những câu chuyện mang màu sắc thần bí rằng, vào một đêm trăng sáng, có người đàn ông trong ấp mất ngủ bèn ra khỏi nhà giữa đêm khuya. Bỗng nhiên ông nhận thấy phía góc trời xuất hiện nhiều vệt sáng, bay lượn rồi thi nhau rớt xuống cánh đồng.
    Dulichgo
    Ông chạy tới nơi vật lạ đáp xuống thì phát hiện một chiếc kéo màu sắc rất lạ. Sau khi về nhà ngâm nước một đêm, sáng hôm sau mới biết chiếc kéo cũ kĩ ấy được làm bằng vàng. Còn một “truyền thuyết” khác do ông Út Mười ở xã bên kể, trong lúc chăn trâu thì gặp mưa lớn, bèn trú lại dưới tán cây rồi phát hiện nhiều lá vàng trồi lên.

    < Ngày nay, vàng vẫn còn đó nhưng là những cánh đồng vàng trĩu hạt: chúng chả phải là 'vàng' đó hay sao?

    Ông Đặng Việt Anh, trưởng ấp Vĩnh Ân, xã Vĩnh Đại (Tân Hưng, Long An) cho biết: “Đến nay vẫn chưa rõ số vàng nguồn gốc có từ đâu, vì sao lại xuất hiện nhiều đến như thế. Nhưng chỉ sau vài năm, khoáng vật quý đó đã không còn. Hiện tượng người dân đổ xô về đây “săn vàng” đã chấm dứt từ 20 năm qua. Bản thân ấp Vĩnh Ân hiện nay số hộ nghèo rất lớn, chiến khoảng 70% và đa phần làm nông nghiệp”.

    Báu vật của vương quốc Phù Nam

    Theo các nhà nghiên cứu, Long An là một địa phương có nhiều di tích, trong đó có những di tích đặc biệt quan trọng của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam cổ xưa.
    Dulichgo
    Trong suốt thời gian tồn tại của mình, Phù Nam đã phát triển toàn diện trên lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt đỉnh cao là nghề kim hoàn. Những người thợ Phù Nam có trình độ và kỹ thuật cao trong việc chế tác và chạm trổ những sản phẩm vàng, bạc như đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, thủy tinh.

    Theo Toàn Nguyễn - Thanh Tâm (Pháp Luật VN)
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử