(TTO) - "Hàng cây xanh thắm đợi chờ/ Bồ quân chín đỏ giấc mơ cuộc đời"... Ở vùng Bảy Núi, An Giang, đến mùa hồng quân chín tím cả một khu vườn cũng là thời điểm trẻ con xôn xao cả một góc trời.
< Trái hồng quân mọng nước, mùi vị thanh tao.
Ngũ Hồ Sơn còn có tên là núi Dài Năm Giếng hay núi Dài Nhỏ. Gọi là núi Dài Năm Giếng vì gần trên đỉnh núi có năm giếng nước nhỏ mang nhiều huyền thoại cổ tích từ thuở xa xưa. Ngoài yếu tố nhân văn, Ngũ Hồ Sơn còn có nhiều loại cây trái đặc sản, trong đó nổi tiếng nhất là trái hồng quân.
< Cây hồng quân ra trái nghịch mùa.
Núi Dài Năm Giếng hiện nay thuộc ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang. Núi cao khoảng 265m, nằm đối diện núi Ông Két (Anh Vũ Sơn). Dọc theo triền núi có một con đường bêtông dẫn tới Điện Bà, còn gọi là Vồ Đầu, nơi có năm giếng nước.
Dulichgo
Tại đây, khách du lịch và hành hương thường lui tới để tham quan ngoạn cảnh và thưởng thức trái cây rừng. Dọc hai bên đường lên núi là rừng cây bát ngát xanh um, xen lẫn những khóm hoa rừng rực rỡ quanh năm, ấn tượng nhất là hoa mua và bằng lăng tím.
< Hồng quân vào mùa thu hoạch.
Trong số những loài cây trái sum sê như vú sữa, xoài, mít còn có một loài cây mang cái tên rất đẹp và ăn cũng rất ngon, mùi vị hấp dẫn, đó là trái hồng quân.
Hồng quân còn có tên là bồ quân, mùng quân, tên khoa học là Flacourtia jangomas. Loại này có nhiều ở Đông Nam Á, riêng tại miền Tây Nam bộ dòng họ nhà hồng quân đã chọn vùng Bảy Núi, An Giang làm quê hương. Đó là loài cây bụi, cao trung bình 5 - 8m, lá nhỏ, bông tím, trái lúc còn sống có màu xanh, khi già chuyển dần sang màu nâu và lúc chín mọng có màu tím rịm trông rất bắt mắt, mùi thơm nhẹ, vị ngọt, hơi chua.
Đặc điểm của trái hồng quân là trước khi ăn phải vò cho mềm, càng mềm ăn càng ngọt. Nếu trái chưa chín hẳn thịt có vị chát và hơi chua, không ngon bằng trái chín muồi.
Ông Nguyễn Văn Bồi, một cư dân sống lâu đời trên rừng núi, cho biết hồng quân Ngũ Hồ Sơn có vị ngọt thanh hơn hồng quân ở núi Cấm nhờ đất cát và thổ nhưỡng ở đây thích hợp với loại cây này.
< Hồng quân chuẩn bị ngâm ủ rượu.
Gia đình ông có 200 cây đang cho trái, hằng năm cây ra hoa từ đầu mùa mưa và trái bắt đầu chín từ tháng 8 kéo dài đến qua tết. Tuy nhiên cũng có vài cây ra bông muộn cho trái nghịch mùa vào tháng 3, tháng 4. Vào thời điểm này trái rất ngon, ngọt và thanh tao.
Dulichgo
Hồng quân là trái để ăn tươi, làm mứt hoặc làm rượu. Trẻ con thường hái trái xanh hoặc chín hườm chấm muối ớt vừa chát chát, chua chua thật thi vị.
< Trái hồng quân chế biến thành ''Thiên Cấm Sơn kỳ tửu''.
Ở vùng Bảy Núi, An Giang, hồng quân là món quà vặt của tuổi thơ. Đến mùa hồng quân chín tím cả một khu vườn cũng là thời điểm trẻ con xôn xao cả một góc trời. Bởi thế, một nhà thơ ở Hội Thi đàn đã viết: "Hàng cây xanh thắm đợi chờ/ Bồ quân chín đỏ giấc mơ cuộc đời"...
Theo y học dân gian, trái hồng quân ăn nhiều tốt cho gan mật, sạch khí huyết, còn thân và rễ hồng quân có thể trị được nhiều chứng bệnh.
Ở An Giang cũng có cơ sở chưng cất rượu dùng trái hồng quân chín để ngâm ủ rượu, lấy tên sản phẩm là “Thiên Cấm Sơn kỳ tửu”, khi uống vào cảm giác như dư vị của núi rừng Tây Nam ẩn chứa trong từng ly rượu.
Theo Hoài Vũ (Dulich.Tuoitre)
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét