• Breaking News

    Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2016

    Khám phá tuyến DLST Linh Cốc – Hải Nham

    Tuyến du lịch Linh Cốc – Hải Nham nằm trong Quần thể khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, là một trong những tuyến du lịch sinh thái hấp dẫn, mang vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ, hứa hẹn là điểm đến ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp về Ninh Bình.

    Từ Bích Động – Động Tiên quý khách lên xe đi vào bến xe Hang Chùa, để đi tiếp hành trình du lịch bằng thuyền qua Hang Chùa, Hang Ghé, Hang Bụt dài 3.000m. Từ bến thuyền du khách qua Hang Chùa dài 120m, rộng từ 10-15m, vòm cao trung bình 5m, chỗ thấp nhất cách mặt nước 2,5m; đoạn giữa hang gấp khúc thành góc vuông, nhũ đá chảy xuống đón ánh sáng từ 2 phía cửa hang tạo thành bức tranh cẩm thạch tuyệt mỹ.

    Qua hang Chùa là Thung Giữa, thung lũng được tạo bởi 2 vòng cung nối, phía trái là vòng cung của núi Dãy, phía phải là núi Nham, ở giữa là thung phẳng với rừng cây xanh tốt. Đây là nơi có nhiều hang nhỏ treo trên những vách núi dựng đứng, là nơi trú ngụ thường xuyên của đàn khỉ lông vàng, có khoảng trên 60 con.
    Dulichgo
    Thung lũng và vách núi có cây trái 4 mùa xanh tốt, lại có đầm nước với nhiều tôm, cua, cá, ốc, là nơi cung cấp đủ thức ăn nên đàn khỉ không dời đi nơi khác.

    Từ Thung Giữa thuyền vào Hang Ghé với chiều dài khiêm tốn khoảng 80m, hang chạy một đường thẳng tắp nên vào hang có thể nhìn thấy ánh sáng bên kia cửa hang. Hang Ghé có vòm hang rộng, phía bên phải có những phiến đá lớn, bằng phẳng, chỉ nhô cao hơn mặt nước chút ít, tạo cho ta cảm giác đó là những phiến đá nổi trên dòng nước trong xanh.

    Qua hang Ghé đến khu du lịch với cụm công trình nhà sàn. Nếu quý khách muốn lên bờ ngắm cảnh có thể nghỉ chân tại nơi đây. Đối diện với khu nhà sàn là hang Dình, hang Dình luồn qua núi Dãy nối thông huyện Hoa Lư với Thành phố Tam Điệp. Cửa phía Đông hang Dình nằm ở độ cao 15m so với mặt nước, cửa phía Tây là cửa hang nước nên có nhiều loài cá trú ngụ, trong đó có loài cá Tràu quý hiếm.

    Từ khu nhà sàn thuyền đi 200m thì phía phải là hang Thần, phía trái là đền Thung Một. Hang Thần nằm lưng chừng núi, cửa chỉ rộng 3-4m, nhưng phía trong hang phình ra rất rộng, có từng đàn dơi hàng ngàn con sinh sống, trong đó có cả loài dơi lớn, sải cánh tới 2 gang tay. Từ đây dòng sông quanh co, gấp khúc qua Núi Một, qua hòn Dấu, đến lối rẽ lên hang Hiểu, là hang nước dài hơn 300m có nhiều núi đá rất đẹp thông qua núi Tướng. Dòng sông chạy ngoằn ngoèo qua thung lũng bạt ngàn lau sậy, các dãy núi kế tiếp nhau, núi nọ gối lên núi kia trong cảnh sắc hoang sơ, huyền ảo.

    Bóng núi buông xuống cửa hang Bụt là bóng núi Tướng, từ đây thuyền đưa du khách vào hang Bụt rộng lớn. Hang được coi là hang xuyên thủy đẹp, dài bậc nhất tỉnh Ninh Bình, tổng chiều dài hang 500m nhưng đoạn nào cũng rộng, vòm hang rất cao, người lái đò có thể chống sào đi từ đầu tới cuối hang mà không có chỗ nào sào chống có thể chạm vào trần hang.
    Dulichgo
    Càng tiến sâu vào trong không gian càng mở ra rộng hơn, du khách có cảm giác như lạc vào một thế giới huyền bí, kỳ ảo mà thiên nhiên ban tặng.

    Trong muôn ngàn hình thể và màu sắc của nhũ đá xuất hiện một pho tượng Phật ở giữa khu rộng nhất của hang. Bức tượng do nhũ đá kết thành cao khoảng 1.5m, rộng 2m với dáng ngồi khoan thai, dung mạo tươi tắn như đang mỉm cười khiến du khách tưởng tượng đó là tượng Phật Di Lặc. Khi chiêm ngưỡng bức tượng Phật trời ban, du khách sẽ có cảm giác rất thảnh thơi, và bình an như đang được Đức Phật ban phước lành, tài lộc, và may mắn. Cảnh sắc nơi đây không những được tạo hóa và thiên nhiên ưu ái mà con người nơi đây phục vụ rất tận tụy, thật thà, chu đáo và mến khách.
    Dulichgo
    Trải qua một hành trình dài, hòa mình vào thiên nhiên, hưởng bầu không khí trong lành, yên tĩnh và ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn rộng mở, thư thái, một cảm giác thú vị. Tuyến du lịch Linh Cốc – Hải Nham, điểm hẹn du lịch sinh thái cho du khách yêu thích thiên nhiên.

    Theo Dulich.Ninhbinh
    Du lịch, GO!

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử