(DNSG) - Xuất phát bằng xe đò từ Bến xe Miền Đông, TP.HCM từ 5 giờ chiều hôm trước, 7 giờ sáng hôm sau chúng tôi đã có mặt tại thành phố Kon Tum để đợi xe đi Ngã ba Đông Dương (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum). Hai tiếng sau, ở nơi “Một tiếng gà gáy cả ba nước đều nghe” đón khách lạ giữa biên thùy chìm trong hơi sương lạnh lẽo.
Điểm đầu tiên mà chúng tôi muốn đến là cột mốc chủ quyền nằm gần cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum, Việt Nam) và cửa khẩu Phu Cưa (Attapeu, Lào). Xe luồn đường rừng đưa chúng tôi đến một ngọn đồi cao, rồi leo bộ hàng trăm bậc để đến với cột mốc biên giới.
Đây là cột mốc rất đặc biệt vì là điểm tiếp giáp bờ cõi ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Mỗi ngày nơi đây đón hàng trăm du khách đổ về để được trải nghiệm cảnh sắc ba nước chập chùng đồi núi.
Gần cột mốc là Đồn Biên phòng Bờ Y và xa xa là ruộng nương của đồng bào dân tộc Ca Dong. Ngày ngày đồng bào Ca Dong đi những chiếc xe máy cũ kỹ đến gần cột mốc rồi bỏ lại để vào rừng hoặc ra nương, tối đến lại lấy xe chạy về buôn.
Dulichgo
Chiều biên giới mát mẻ, chúng tôi rời cột mốc sang cửa khẩu Phu Cưa của nước bạn Lào. Phu Cưa trong tiếng Lào có nghĩa là Dốc Muối. Trong những năm đánh Mỹ, khu vực ngã ba biên giới diễn ra những trận đánh rất ác liệt. Có cái tên Phu Cưa là do bộ đội Việt Nam cõng muối về đây chia cho bà con bên này bên kia biên giới trong những năm chiến tranh thiếu thốn trăm bề, thiếu nhất là muối. Cửa khẩu Phu Cưa thuộc huyện Phu Vong, tỉnh Attapeu của nước bạn, là quê hương của nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Lào.
Những con đường uốn lượn dưới những tán rừng dẫn về thủ đô Vientiane nhộn nhịp xe hơi bán tải và người dân Tây Nguyên sang Lào sinh sống, làm ăn, chủ yếu tại km26 - nơi có những xóm người Việt. Riêng người Lào bản địa thì vẫn theo nghề săn bắn. Nhiều nai, heo rừng nặng cả trăm ký lô bị bắn hạ, được bán rộng rãi qua cửa khẩu.
Không biết bao lâu nữa thì những cánh rừng của Lào cũng trơ trụi như ở Tây Nguyên và lòng rừng cũng không còn con thú nào!
Đối diện cửa khẩu nước bạn là cửa khẩu Bờ Y của ta. Nơi đây có siêu thị miễn thuế như cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh), nhưng cảnh buôn bán thì không nhộn nhịp bằng.
Dẫn chúng tôi đi một vòng đường biên, ông Nguyễn Trọng Hảo - Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Bờ Y cho biết, đây là một trong 5 cửa khẩu trọng điểm của quốc gia. Bờ Y đang nỗ lực kêu gọi và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế vùng biên.
Ở Bờ Y có một buôn tái định cư giáp biên, gọi là Iêc, do Nhà nước xây dựng. Rất may là người viết gặp được anh Thao Pun Him - Phó chủ tịch HĐND xã Bờ Y. Vị quan chức cơ sở này nói rằng ban ngày khó gặp dân bản vì người Ca Dong đều lên nương rẫy. Nhà nước luôn quan tâm đời sống của người dân nên họ không còn khó khăn như trước.
Dulichgo
Giống như nhiều dân tộc khác, người Ca Dong đang mất dần những tập tục như cà răng căng tai, phụ nữ đốn thật nhiều củi để dành mới lấy được chồng... Hiện xã đang cố gắng thành lập những đội cồng chiêng, một mặt giữ lại nét văn hóa độc đáo của người Ca Dong, một mặt phục vụ những ngày lễ hội của riêng đồng bào và của đất nước.
Tại vùng biên giới này, có một tộc người kỳ lạ nhất ở dãy Trường Sơn là Brâu - một trong hai tộc người có số dân ít nhất trong số 54 dân tộc anh em (cùng với người Rục ở Quảng Bình).
Chúng tôi về thôn Đắk Mế, cũng thuộc xã Bờ Y khi trời chiều nhạt nắng. Người Brâu sống lặng lẽ trong khu đất tái định cư, cách con đường nhựa lên biên giới cả cây số. Điều đặc biệt là trai tráng người Brâu ra khỏi nhà là không thể thiếu con dao sắt nhọn bên hông. Có lẽ xa xưa, do thường va chạm với các tộc người khác và phải đối mặt với mãnh thú ở nơi sơn lam chướng khí mà người Brâu có thói quen ấy.
Trước những ngôi nhà người Brâu đều có cây nêu, không chỉ dùng trong lễ hội như một vật trang trí quanh năm. Đàn bà Brâu về già thì ở nhà trông cháu và đều hút thuốc bằng tẩu như một thói quen chống lại cái lạnh của miền biên viễn.
Trưởng buôn Brâu là ông Thao Lợi. Nhà ông rất khang trang với mái ngói tường xây. Ông nói rằng người Brâu nếu là đàn ông thì có họ Thao, phụ nữ có họ Nàng. Nhà nước đã xây nhà ngói cho đồng bào ở, cấp đất cho đồng bào trồng trọt. Bà con vẫn chưa bỏ được một số hủ tục, như khi con cái trong nhà đau yếu vẫn mời thầy cúng về giải hạn.
Những bộ cồng chiêng mà người Brâu gọi là chiên tha cũng không còn nhiều. Thanh niên trong buôn lấy nghề săn bắn và nương rẫy làm công việc chính. Họ ở trong khu tái định cư nhưng nhớ rừng, nhớ suối nên luôn tìm về.
Dulichgo
Người Brâu rất coi trọng lễ bỏ mả, cúng Yàng. Đó là 2 ngày lễ mà người Brâu không cho bất cứ người ngoài nào vào buôn, ai không biết mà lỡ vào “cấm địa” là bị phạt bằng những con heo mà chiều dài đo bằng nhiều gang tay.
Một lãnh đạo xã Bờ Y xác nhận, người lạ tới đây từng bị phạt, phải “kêu cứu” chính quyền. Lãnh đạo xã phải cắt cử công an xã xuống thương thuyết với trưởng buôn Lợi thì mới được ra khỏi làng.
Họ tổ chức trang trí, đâm trâu, giết bò phục vụ 2 lễ hội từ nhiều ngày trước. Trong ngày lễ, ai nấy ăn mặc đẹp, cùng ca hát, cùng đánh chiên tha, say khướt với rượu nếp.
Tới vùng đất cuối trời của Bắc Tây Nguyên, chúng tôi chứng kiến người bản địa rất thích dùng sâm rừng. Đó là loại sâm trước đây mọc ở bờ suối, nay được trồng để bán theo mớ, theo bao. Khi về đến TP.HCM, nó có giá 50 nghìn đồng một lạng để ngâm rượu hoặc nấu với xương heo tẩm bổ cho người ốm yếu, thai phụ. Chính củ sâm rừng giúp nhiều gia đình Ca Dong, Brâu khỏi thiếu đói.
Vì tiếp giáp với vùng đất Ngọc Linh nên từ thị trấn Plei Kan cho tới các xã giáp biên du khách thường hỏi mua sâm Ngọc Linh (còn gọi là sâm K5) khi muốn mua sâm. Sâm Ngọc Linh dao động từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng mỗi kg, tùy loại lớn nhỏ và tuổi đời. Củ sâm còn rễ, càng xù xì càng đắt giá.
Tấp vào một tiệm tạp hóa ở thị trấn Ngọc Hồi, chúng tôi được bà chủ mập ú thuyết oang oang: “Sâm Ngọc Linh có công dụng hơn hẳn sâm Hàn Quốc, người bệnh dùng là khỏe ngay, người khỏe dùng càng thêm mạnh gân cốt, mạnh sinh lý. Trong chiến tranh, bộ đội chỉ cần ngậm một lát mỏng sâm K5 là hành quân không biết mệt”. Để minh chứng cho điều mình nói, bà lôi ra từng bịch “sâm Ngọc Linh” chào mời khách, giá thấp nhất 40 triệu đồng, cao nhất 150 triệu đồng mỗi kg.
Đem chuyện “sâm Ngọc Linh”của bà chủ tiệm trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, ông Tuấn chỉ cười cười. Cách đây chục năm, vị giám đốc này từ Sài Gòn ra miền núi Quảng Nam trồng và gây giống sâm Ngọc Linh. Theo ông Tuấn, sâm Ngọc Linh phải trồng ít nhất 8 năm mới có công dụng bồi bổ sức khỏe và chỉ trồng được ở vùng đất nằm giữa huyện Tu Ma Rông (Kon Tum) và Bắc Trà My (Quảng Nam). Giá sâm mà công ty ông bán trên dưới 60 triệu đồng mỗi kg.
Dulichgo
Cũng theo ông Tuấn, củ sâm Ngọc Linh nhìn rất giống củ tam thất nên nhiều người không biết đã mua phải hàng dỏm. Việc trồng được sâm nên củ là không dễ. Trước đây, người dân tộc thiểu số ở Quảng Nam phải trồng trên độ cao 2000m. Từ chân núi lên đỉnh núi phải đi gần cả ngày. Ở nơi cao và xa xôi đó, sâm Ngọc Linh có chất lượng cao nhất. Vì vậy, du khách chớ có cả tin mà mua phải sâm Ngọc Linh giả, như ở Bờ Y chẳng hạn.
Theo Hà Tiên (Doanh Nhân SG)
Du lịch, GO!
Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017
Địa danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét