• Breaking News

    Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

    Rực rỡ sắc đỏ rừng phong chùa Thanh Mai

    Cuối tháng 12, du khách đến chùa Thanh Mai sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rừng phong đỏ trong khung cảnh cổ kính, thanh tịnh của ngôi cổ tự.

    Cây phong được nhắc đến nhiều trong văn học và thường mọc ở các nước xứ lạnh nên ở nước ta khó có thể được chiêm ngưỡng loài cây này. Vậy mà tại chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Hải Dương, nơi trung tâm của dòng thiền Trúc Lâm, sắc đỏ của rừng phong lại ngập tràn khắp không gian…
    Lá phong đổi màu theo mùa. Lá phong xanh sum suê vào mùa hạ và ngả dần màu vàng, đỏ thẫm rồi rụng xuống vào mùa đông.

    Chùa Thanh Mai được Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm xây dựng năm 1329 trên sườn núi Tam Ban. Trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi chùa trở thành hoang phế, bị lãng quên.

    Với mong muốn phục dựng và bảo tồn một di tích lịch sử quan trọng, năm 1980, chùa đã được đầu tư khôi phục. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

    Để đến với chùa Thanh Mai, du khách đi theo dọc đường quốc lộ 18 hướng Hà Nội – Quảng Ninh. Con đường tìm về chốn cửa thiền không hề dễ dàng, quanh co ôm theo núi đã được vỗ về bởi không khí trong lành và ngắm nhìn phong mọc từ chân núi lên chùa.

    Khi đến thăm chùa Thanh Mai, du khách và Phật tử sẽ bắt gặp cả một rừng phong là đỏ mọc từ lưng chừng núi đến tận sân chùa. Chỉ vào mấy gốc phong gần chùa, một bác gái đang quét sân cho biết: Người dân địa phương gọi những cây này là táo hậu. Lá cây táo hậu thường được các thầy lang dùng làm thuốc.

    Theo các tài liệu nghiên cứu, cây táo hậu có tên khoa học là: Liquidambar formosana, thuộc họ kim mai, ngành ngọc lan, hay còn gọi cây sau sau. Cây thuộc dạng cây gỗ lớn, lá có 3 đến 5 thùy, rụng vào mùa khô.

    Khi thay lá, những lá già và lá non đều có màu đỏ sặc sỡ. Cây sau sau có khả năng tiết một loại nhựa thơm vì thế người Trung Quốc gọi là phong hương thụ (cây phong có mùi thơm). Như vậy cách gọi sau sau hay phong hương thụ chỉ là một.

    Lá phong rực rỡ sắc màu dưới ánh nắng dịu dàng của mùa đông. Hiện quanh chùa có ba, bốn gốc cây cổ thụ hai người ôm.

    Còn những cây có kích thước một người ôm thì không đếm xuể. Điều đặc biệt, cây này chỉ mọc ở núi Tam Ban và phân bố nhiều ở sườn nam nơi chùa Thanh Mai tọa lạc, ở các ngọn núi bên cạnh không hề có.

    Hằng năm cứ vào độ cuối thu đầu đông, lá cây chuyển màu vàng, màu đỏ và trút xuống. Nhưng lá ở đây không cùng lúc chuyển màu đỏ rực như trong phim ảnh mà chỉ lác đác biến sắc rồi rụng dần.

    Đến mùa xuân, những lá non cũng khoe sắc đỏ thắm. Năm nào mùa đông càng lạnh thì lá càng đỏ.

    Rừng phong thay lá tạo nên cảnh thơ mộng và yên bình. Khung cảnh thiên nhiên ở đây thích hợp cho nhiều người muốn đi leo núi, dã ngoại hay tìm một nơi thanh tịnh nơi chốn cửa phật.

    Được biết, chùa Thanh Mai là một trong bảy địa danh ở Việt Nam mà du khách có thể ngắm lá phong.

    Du lịch, GO! tổng hợp từ internet

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Núi

    Tự tình

    Di tích lịch sử